.
Vụ binh sĩ Mỹ thảm sát dân thường Afghanistan:

Quan hệ Mỹ - Afghanistan căng thẳng

.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai mô tả việc binh sĩ Mỹ thảm sát dân thường ở nước ông không khác gì “hành động giết người và khủng bố không thể tha thứ”.

Vụ việc xảy ra chỉ sau gần 3 tuần các binh sĩ Mỹ đốt Kinh Koran tại căn cứ Không quân Bagram của NATO ở Afghanistan, khơi mào cho các cuộc biểu tình làm khoảng 40 người chết.

Người dân Afghanistan bên cạnh thi thể một nạn nhân vụ thảm sát.              Ảnh: Reuters
Người dân Afghanistan bên cạnh thi thể một nạn nhân vụ thảm sát. Ảnh: Reuters

Mỹ quan ngại sự trả đũa

Ngày 12-3, các quan chức Mỹ cảnh báo khả năng sẽ có các cuộc tấn công trả đũa sau khi một binh sĩ nước này xả súng giết 16 người dân làng Alokozai và Najeeban, thuộc tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan vào một ngày trước đó, đồng thời làm nhiều người khác bị thương. Hai ngôi làng chỉ cách căn cứ quân sự Mỹ 500m. Hãng AFP dẫn tuyên bố của Tổng thống Karzai cho biết, binh sĩ Mỹ tiến vào 3 ngôi nhà của dân làng Alokozai và

Najeeban giữa đêm khuya, giết chết 16 người, trong đó có 9 trẻ em và 3 phụ nữ. Bị thương ở chân trái, Rafiullah (15 tuổi) kể rằng, người binh sĩ đã vào nhà, đánh thức gia đình của cậu và xả súng. Tại hiện trường, các nhà chức trách đã tìm thấy 16 thi thể, riêng trong ngôi nhà ở Najeeban có 11 thi thể.
Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO dẫn đầu xác nhận người binh sĩ chỉ hành động một mình và sau đó bị quân đội Afghanistan bắt giữ. Danh tánh của người hạ sĩ quan này chưa được công bố. Song, các quan chức Mỹ cho hay, anh ta ở bang Washington và lần đầu tiên tham gia lực lượng tại Afghanistan. ISAF cũng xin lỗi về vụ thảm sát này.   

Bày tỏ sự đau buồn sâu sắc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho người đồng cấp Karzai và cam kết nhanh chóng điều tra để buộc tội người có trách nhiệm. Ông Obama còn gọi vụ việc này là “đau thương và gây sốc”, không phản ánh đúng bản chất của quân đội Mỹ cũng như sự tôn trọng mà Washington dành cho người dân Afghanistan. Trong khi đó, ông Karzai cho rằng, việc binh sĩ Mỹ thảm sát dân thường Afghanistan là “hành động giết người và khủng bố không thể tha thứ”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng gọi điện cho Tổng thống Karzai và khẳng định sẽ điều tra toàn diện. Tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng sốc và chia buồn với Afghanistan. Úc với 1.550 binh sĩ hiện đồn trú ở Afghanistan cũng gửi lời chia buồn đến Kabul nhưng khẳng định vẫn lưu binh sĩ để hoàn thành sứ mệnh tại quốc gia Nam Á này.

Trì hoãn Thỏa thuận Đối tác chiến lược

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 12-3 đã bất ngờ đến thăm căn cứ quân sự tại Mazar-i-Sharif, phía Bắc Afghanistan.  Đức là nước đóng góp quân đội lớn thứ ba trong ISAF, sau Mỹ và Anh, với 4.900 binh sĩ. Berlin cũng có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014.

Theo AP, vụ xả súng làm căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Afghanistan, đồng thời làm phức tạp thêm kế hoạch rút dần lực lượng NATO gồm 130.000 binh sĩ khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Vụ việc đặt ra những câu hỏi cho cả phía Washington lẫn Kabul rằng, vì sao quân đội Mỹ vẫn chiến đấu ở Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 10 năm và sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt. Cũng trong ngày 12-3, quân nổi dậy Taliban thề trả thù sau vụ thảm sát. Theo Taliban, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lực lượng quốc tế đang chống lại người dân Afghanistan.

Sau vụ binh sĩ Mỹ đốt Kinh Koran, căng thẳng giữa Washington và Kabul đã được tháo gỡ vào ngày 9-3 khi Chính phủ 2 nước ký biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao tù nhân. Theo đó, tù nhân Afghanistan sẽ được chuyển cho Kabul kiểm soát. Tuy nhiên, vụ thảm sát đã phá vỡ hy vọng hàn gắn quan hệ giữa 2 Chính phủ của Tổng thống Obama và Karzai, cụ thể sẽ làm trì hoãn việc ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược, vốn được Washington và Kabul thảo luận hơn một năm nay. Thỏa thuận được kỳ vọng là cơ sở để Mỹ vẫn tiếp tục liên quan đến tình hình Afghanistan sau khi rút quân về nước vào cuối năm 2014.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.