.

Ấn Độ thử tên lửa tầm xa

.

Tên lửa tầm xa Agni-V của Ấn Độ với tầm phóng hơn 5.000km có khả năng chạm đến Trung Quốc.

Sáng 19-4, tên lửa tầm xa Agni-V đã rời bệ phóng ở bang Orissa, phía Đông Ấn Độ. Vài phút sau khi Đài truyền hình quốc gia phát sóng hình ảnh cho thấy tên lửa với tầm phóng hơn 5.000km được phóng lên không trung, một nhà khoa học cho biết, việc thử nghiệm này đã thành công. Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony đánh giá vụ việc là nền tảng lớn trong chương trình phát triển tên lửa của Ấn Độ. Trong khi đó, V.K.Saraswat, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), đơn vị phát triển tên lửa, tự hào rằng Agni-V đã làm nên lịch sử. Thủ tướng Manmohan Singh đã không giấu niềm vui khi chúc mừng các nhà khoa học.

Tên lửa Agni-V có tầm bắn 5.000km.                                                                                 Ảnh: AFP
Tên lửa Agni-V có tầm bắn 5.000km.                                                                          Ảnh: AFP

Theo AFP, vụ thử thành công đã đưa Ấn Độ đến với ngưỡng cửa gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn lên đến 8.000km. Hiện chỉ có các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), bao gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, cùng với Israel mới được cho là có các loại vũ khí tầm xa. Theo các hãng tin, Agni-V dài 17,5m, nặng 50 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn, được Ấn Độ phát triển với chi phí 480 triệu USD.

Reuters nhận định: Ấn Độ nhanh chóng nổi lên như một cường quốc kinh tế của thế giới và muốn đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, đồng thời ngấp nghé chiếc ghế thường trực trong HĐBA. Những năm gần đây, New Delhi là nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Harsh Pant, chuyên gia quốc phòng tại Đại học King của London (Anh) mô tả việc phóng tên lửa là động thái thúc đẩy niềm tin. “Đây là một trong những cách để Ấn Độ gửi thông điệp đến toàn cầu rằng nước này xứng đáng ngồi ở bậc cao”, Pant nói.

Người phát ngôn của DRDO Ravi Gupta khẳng định Agni-V không nhằm vào mục tiêu một nước cụ thể nào và chương trình tên lửa của Ấn Độ cũng không phải là mối đe dọa mà chỉ đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia. Song, các nhà phân tích cho rằng, tên lửa này có thể chạm đến toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả những căn cứ quân sự ở khu vực Đông Bắc.

Ngay sau thành công của Ấn Độ, chưa có phản ứng chính thức từ phía Trung Quốc. Báo Global Times của Trung Quốc trước đó dự đoán, Ấn Độ sẽ hoãn vụ phóng tên lửa vì thời tiết xấu, đồng thời khuyến cáo New Delhi không nên đánh giá quá cao sức mạnh của mình.

Một đội gồm 800 người đã tiến hành nghiên cứu và phát triển Agni-V trong 3 năm qua. Agni-V là phiên bản tiên tiến nhất của chương trình Agni từ nhiều năm trước. Trong đó, Agni-1 có tầm bắn 700km. Đến tháng 11-2011, Ấn Độ thử thành công Agni 4 với tầm bắn 3.500km. Song, so với Trung Quốc, hiện Bắc Kinh bỏ xa người láng giềng New Delhi trong cuộc đua tên lửa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sở hữu các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng chạm đến bất kỳ nơi đâu ở Ấn Độ.  

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama kêu gọi tất cả các nước có vũ khí hạt nhân kiềm chế.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.