Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cam kết thúc đẩy nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Cam kết trên được đưa ra trong ngày 4-4, ngày cuối cùng của Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (bìa trái) và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (giữa) tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: Reuters |
Hãng AFP cho biết, các lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với cam kết thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau ở khu vực tranh chấp. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã đề cập đến việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, ASEAN cần thống nhất về các thành tố trong Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc.
Tuyên bố chung khi kết thúc 2 ngày hội nghị nêu rõ sự cần thiết tăng cường nỗ lực nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC, dựa trên những hướng dẫn thực thi DOC. Các nhà phân tích cho rằng, Hội nghị cấp cao ASEAN vào năm ngoái ở Indonesia cũng ra tuyên bố tương tự và điều này minh chứng sự bế tắc trong quá trình đàm phán giải quyết xung đột với Trung Quốc. Hãng AFP dẫn lời Pavin Chachavalpongpun, cựu ngoại giao Thái Lan và là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore bày tỏ quan ngại rằng, ASEAN không thể tìm thấy quan điểm chung trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ đặc biệt quan tâm đến tình hình trên Biển Đông và gần đây đã thúc đẩy hợp tác với đồng minh Philippines, một trong những nước liên quan đến tranh chấp, như một phần trong chiến lược ngoại giao với châu Á.
Theo giới phân tích, việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có chuyến thăm Campuchia trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN tạo ra áp lực đối với Phnom Penh để nước này sử dụng quyền Chủ tịch ASEAN 2012 trì hoãn các cuộc đàm phán về Biển Đông. Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, các thành viên ASEAN đã có những ý kiến khác nhau trong việc mời Trung Quốc tham gia vào quá trình dự thảo xây dựng COC - bộ quy tắc nhằm ngăn chặn những xung đột nhỏ trên Biển Đông trở nên leo thang. Giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2012, Campuchia háo hức muốn Trung Quốc hiện diện trong tiến trình soạn thảo COC. Song, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều cho rằng, các thành viên Đông Nam Á nên bàn bạc trong khối trước khi công bố với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau khi bế mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bác bỏ các nguồn tin cho rằng có sự rạn nứt trong khối ASEAN xung quanh tiến trình đàm phán. Ông khẳng định: “Một số người có thể nghĩ rằng, trong suốt Hội nghị cấp cao ASEAN, có những quan điểm khác biệt giữa ASEAN với Trung Quốc. Nhưng suy nghĩ này là sai lầm”. Ông Hun Sen cho hay, tất cả các bên đều cam kết giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình. Bác bỏ việc Campuchia chịu sức ép của Trung Quốc, người đứng đầu Chính phủ Phnom Penh nói rằng, là Chủ tịch ASEAN, quốc gia này có quyền sắp đặt chương trình nghị sự.
Ngày 4-4, lại một lần nữa các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử ở Myanmar; mong muốn quốc gia này tiếp tục thực hiện lộ trình 7 bước vì hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển đất nước; đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar. |
TTXVN dẫn lời các nhà lãnh đạo cho rằng, ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, nhất là trong bối cảnh đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng tác động trực tiếp đến ASEAN. Ngoài ra, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử, phát huy vai trò và tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), DOC, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). ASEAN cũng cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên trong khu vực, kể cả các vấn đề an ninh phi truyền thống, đóng góp vào củng cố môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), ARF, ADMM+; khuyến khích các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực; hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực, phù hợp với lợi ích các nước cũng như đặc thù khu vực.
THIÊN BÌNH