.

Bảo đảm hòa bình trên Biển Đông

.

Căng thẳng trên Biển Đông là một trong 3 vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
 

Các nhà lãnh đạo tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN.                               Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: Reuters

Ngày 3-4, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 đã chính thức khai mạc với chủ đề “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh”. Ngay trong ngày họp đầu tiên này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, những cải cách ở Myanmar và việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào giữa tháng 4.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, hơn 40 năm phát triển đã chứng minh năng lực của ASEAN trong xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân, thịnh vượng về kinh tế và ổn định về an ninh chính trị. Đây cũng là lý do để Campuchia chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2012 của mình là “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh”, theo đó nhấn mạnh quyết tâm hợp tác xây dựng cộng đồng ASEAN như một mái nhà mà mọi thành viên đều liên kết chặt chẽ, sống hòa hợp về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội và tuân thủ pháp luật. Thủ tướng Hun Sen đã nêu 7 ưu tiên của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc tăng cường năng lực cho một định chế tài chính có thể bảo đảm ổn định, có khả năng ngăn ngừa và giải quyết những khủng hoảng nếu có; bảo đảm thực hiện đúng lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN; đặt ưu tiên cho việc hình thành cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 để hướng đến một thị trường ASEAN thống nhất, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển… Song, người đứng đầu Chính phủ Phnom Penh nhấn mạnh: ASEAN đang đối mặt với các thách thức và các thách thức này cần được đề cập để cụ thể hóa thành mục tiêu của “một cộng đồng, một vận mệnh”.  

Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, các nhà ngoại giao cho rằng, những khác biệt, bất đồng có thể làm giảm nỗ lực của các thành viên ASEAN trong việc ký hiệp ước ngăn chặn xung đột lãnh thổ. Theo AFP, có những quan ngại rằng về việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp trên Biển Đông nên ban đầu Campuchia dự kiến không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Chính phủ Phnom Penh khẳng định sẽ đóng vai trò ngoại giao trung gian giữa ASEAN với Trung Quốc nhưng phía Philippines yêu cầu mọi sự giải quyết phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trước đó, trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước thềm Hội nghị ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng, ông muốn tranh chấp được giải quyết trong phạm vi 10 thành viên ASEAN để vấn đề không trở nên phức tạp hơn. Các Ngoại trưởng của khối cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Ngoại trưởng cũng hoan nghênh kết quả của nhóm công tác SOM ASEAN về việc xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc.

Trong lúc đó, AP dẫn nguồn tin từ phía Trung Quốc rằng, Bắc Kinh muốn tham gia vào dự thảo các nguyên tắc với ASEAN. Song, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, các thành viên trong khối sẽ hoàn tất dự thảo COC trước khi đối thoại với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn bác bỏ mọi sự sắp xếp buộc nước này phải đàm phán với cả khối ASEAN, mà chỉ đồng ý ngồi vào bàn nghị sự với từng thành viên liên quan. Tuy nhiên, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan vẫn nói rằng, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tham gia thảo luận cùng ASEAN để giải quyết các tranh chấp nhằm bảo đảm hòa bình trên Biển Đông.

Cũng trong ngày 4-3, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Myanmar sau khi nước này trải qua cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung. Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Campuchia Kao Kim Hourn nói rằng, việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ góp phần tích cực vào tiến trình dân chủ và đặc biệt là phát triển kinh tế của Myanmar. Tổng thống Myanmar Thein Sein trước đó đã khẳng định cuộc bầu cử diễn ra “minh bạch, tự do, dân chủ” và vì vậy ông chấp nhận kết quả với việc Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo (giành được 40/45 ghế trong Quốc hội). Tổng thống Thein Sein còn đánh giá cuộc bầu cử được thực hiện rất thành công.
ASEAN bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với dân số tổng cộng gần 600 triệu người.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.