Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8), bao gồm: Nga, Mỹ, Nhật, Canada, Pháp, Anh, Ý và Đức, nhóm họp tại Washington (Mỹ) ngày 11-4 với nội dung chính là vấn đề Syria, Iran và tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị kéo dài 2 ngày này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19-5 tới tại Trại David ở tiểu bang Maryland của Mỹ.
Cả ba vấn đề nổi cộm trên đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo và dư luận thế giới bởi chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên hay cuộc xung đột hiện nay ở Syria không chỉ ở khu vực hẹp mà còn tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến cả chính trị, kinh tế và xã hội. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cũng như các cường quốc và một số quốc gia liên quan đã tiến hành nhiều bước can dự nhưng chưa có lối thoát căn bản cho vấn đề Syria, Iran cũng như CHDCND Triều Tiên.
Có thể nói, sự nóng lạnh bất thường ở Syria, Iran và bán đảo Triều Tiên không ít lần gây những cơn “địa chấn”, tạo ra nguy cơ chiến tranh cục bộ khốc liệt. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: Những sự kiện xảy ra trong năm qua, thậm chí mới chỉ trong tuần qua, đã cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác quốc tế toàn diện, và G8 là diễn đàn thiết yếu cho sự hợp tác này. Bà Clinton khẳng định các Bộ trưởng sẽ thăm dò những cách thức nhằm đưa ra giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay của Syria và quá trình chuyển tiếp chính trị vì lợi ích của nhân dân nước này. Về cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 vào ngày 14-4 tới tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), bà Clinton cho rằng, đây là cơ hội để Iran giải tỏa các quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tin tưởng vẫn còn thời gian cho biện pháp ngoại giao, bà Clinton nhấn mạnh tới sự cấp bách của việc Iran cần tạo ra “môi trường có lợi nhằm đạt được những kết quả cụ thể” thông qua đàm phán. Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, bà Clinton mong muốn thảo luận cách thức để đạt được sự ổn định một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định khó tìm được tiếng nói chung, khi Nga lại có những bất đồng về mục tiêu, quyền lợi và giải pháp với các thành viên G8 ở cả ba vấn đề Tehran, Bình Nhưỡng và Damascus. Mỹ và các đồng minh trong G8 muốn có biện pháp mạnh, kể cả quân sự để xóa bỏ chính quyền hiện nay ở Damascus, nhưng Nga phản đối quyết liệt. Còn vấn đề hạt nhân của Tehran và Bình Nhưỡng là câu chuyện dài kỳ, trải qua nhiều cách thức, từ bao vây, cấm vận đến đàm phán, nhưng chưa có giải pháp căn bản. Mỹ lo ngại những đe dọa từ Iran. Còn Nga coi Tehran là quốc gia then chốt để phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông và hạn chế ảnh hưởng của các nước khác ở khu vực này. Nga tìm cách dàn xếp cuộc tranh chấp hạt nhân với những đề nghị thỏa hiệp như đề nghị nhận lại những thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng về Mátxcơva và cùng với Iran làm giàu uranium trên đất Nga, hoặc công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử trị giá gần 1 tỷ USD ở Bushehr của Iran...
Do vậy, tìm lối thoát hiểm cho 3 vấn đề nói trên để trình lên Hội nghị thượng đỉnh, đang đều ở cửa hẹp, thời gian rất ít và là nhiệm vụ khó khăn của các Ngoại trưởng G8 lúc này.
TUYẾT MINH