.

Cuộc chiến Sarkozy - Hollande bắt đầu

.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và ứng viên của Đảng Xã hội Francois Hollande sẽ bước vào vòng hai trong cuộc bầu cử được cho là có thể đặt dấu chấm hết đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Ông Francois Hollande được dự đoán chiến thắng ở vòng hai.                             Ảnh: AFP
Ông Francois Hollande được dự đoán chiến thắng ở vòng hai.                                        Ảnh: AFP

“Cuộc chiến ở Pháp mới chỉ bắt đầu”, ứng viên Marie Le Pen, 43 tuổi, con gái của nhà sáng lập Mặt trận quốc gia Jean-Marie Le Pen, nói với những người ủng hộ khi kết quả cho thấy bà xếp thứ ba với 18,3% phiếu ủng hộ. Kết quả đã được công bố vào đêm 22-4 (rạng sáng 23-4, giờ Việt Nam).

Hãng AP cho biết, ông Hollande dẫn đầu với 28,6%; tiếp đến là ông Sarkozy với 27,1% và bà Le Pen với 18,3%. Như vậy, vòng hai vào ngày 6-5 tới sẽ là cuộc đua song mã của Sarkozy - Hollande với khó khăn nghiêng về người đang nắm quyền ở Điện Elysee. Vị trí thứ tư thuộc về Jean-Luc Melenchon, ứng viên của Mặt trận cánh tả, với 11% số phiếu. Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử đã khiến ông Sarkozy trở thành Tổng thống đương nhiệm thất bại ngay ở vòng một.

Ông Hollande mô tả chiến thắng của mình phản ánh ý nguyện của cử tri là muốn sang trang mới và muốn quyền lực ở Điện Elysee phải được chuyển giao. Trong khi đó, ông Sarkozy nói rằng, ông nhận biết quan ngại của cử tri là việc làm và nhập cư. Theo vị Tổng thống vốn không được lòng dân (theo kết quả thăm dò trước bầu cử), ông hiểu “mối quan ngại của những người yêu nước muốn bảo vệ cuộc sống của mình”.
Hãng Reuters dẫn lời Damien Philippot thuộc Cơ quan thăm dò IFOP cho rằng, sẽ khó khăn để ông Sarkozy đánh bại ông Hollande. Thậm chí, chuyên gia này còn nhấn mạnh: Các kết quả trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ là sự trừng phạt đối với ông Sarkozy. Cả ba hãng thăm dò Ipsos, CSA và IFOP đều dự đoán ông Hollande sẽ chiến thắng trong cuộc đua ngày 6-5, đồng thời nhận định: Những lo lắng về việc làm, thu nhập sẽ buộc cử tri phải cân nhắc lá phiếu của mình.

Ông Sarkozy đang nỗ lực để không trở thành Tổng thống đầu tiên của Pháp thất bại trước Đảng Xã hội kể từ năm 1981 đến nay. Năm 1981, ứng viên Xã hội Francois Mitterrand đã vượt qua ông Valery Giscard d’Estaing để bước vào Điện Elysee. Song, theo giới quan sát, bầu cử ở Pháp sẽ tác động đến tương lai của châu Âu. Chính ông Hollande cũng nhận định như vậy và nói rằng, việc lựa chọn nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai trong khối các nước sử dụng đồng euro sẽ ảnh hưởng đến 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel là những người nỗ lực tìm cách cứu khối eurozone với việc đề ra các chính sách “thắt lưng buộc bụng” cho 17 thành viên. Cái tên “Merkozy” (ghép từ Merkel và Sarkozy) liên tục được nhắc đến. Tuy nhiên, ông Hollande lại muốn hiệp ước về tiết kiệm ngân sách cũng phải đề cập đến tăng trưởng kinh tế, chứ không đơn thuần cắt giảm.

Bên cạnh đó, theo AP, chính sách đối ngoại không xuất hiện nhiều trong chiến dịch tranh cử nhưng sẽ đóng vai trò lớn đối với một Tổng thống mới của Pháp. Ông Hollande cam kết rút quân Pháp khỏi sứ mệnh của NATO ở Afghanistan ngay trong năm nay.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.