.

Hải quân Philippines "đụng" tàu Trung Quốc ở Biển Đông

.

Philippines vừa cho hay, tàu hải quân của họ đã đụng độ với hai tàu hải giám Trung Quốc khi các tàu này cố tìm cách ngăn chặn việc bắt giữ ngư dân Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu Gregorio Del Pilar. Ảnh: AP
Tàu Gregorio Del Pilar. Ảnh: AP

Quan chức chính phủ Philippines khẳng định, 8 tàu cá Trung Quốc đã thả neo ở vùng lãnh thổ của Philippines là bãi đá ngầm Scarborough, cách đảo Luzon ở phía tây 124 hải lý. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, tàu hải quân nước này mang tên Gregorio Del Pilar đã phát hiện ra 8 tàu cá trong vùng biển vào hôm chủ nhật khi đi tuần tra khu vực.

"Hai tàu hải giám Trung Quốc sau đó đã tới bãi đá ngầm", tuyên bố nhấn mạnh. Tàu hải giám đã ngăn cách giữa tàu Gregorio del Pilar và các tàu cá "vì thế đã ngăn chặn không cho bắt giữ các ngư dân Trung Quốc có hành vi sai trái. Tình hình này vẫn không thay đổi trong sáng nay - 11-4".

Tuyên bố khẳng định, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã liên lạc với Đại sứ Trung Quốc ở Philippines, bà Mã Khắc Thanh, vào đêm qua và nhấn mạnh rằng, khu vực xảy ra vụ việc là "một phần không tách rời của lãnh thổ Philippines". Ông Del Rosario đã mời bà Mã tới trụ sở Bộ Ngoại giao vào sáng nay nhằm tìm kiếm ra giải pháp ngoại giao.

Gregorio del Pilar (PF-15) trước đây là tàu Hamilton của lực lượng tuần duyên Mỹ. Chính phủ Philippines đã mua chiếc Del Pilar với giá vào khoảng 13,18 triệu USD theo chương trình Điều luật thu mua quốc phòng của Mỹ. Theo đó, tiền mua tàu được lấy từ dự án Malampaya và tàu sẽ được đảm bảo dùng vào an ninh hàng hải.

Del Pilar là tàu chạy bằng động cơ phản lực tuabin khí đầu tiên trong số các tàu của Hải quân nước này. Đây là con tàu nhanh nhất, lớn nhất, mạnh nhất trong đội tàu của Hải quân Philippines. Ban đầu, Del Pilar được thiết kế để mang theo một hệ thống vũ khí Phalanx 20mm, vốn được thiết kế để bắn hạ các tên lửa chống hạm và máy bay cánh cố định. Tuy nhiên, hệ thống vũ khí này đã được Mỹ tháo bỏ và chuyển cho một tàu khác của lực lượng tuần duyên Mỹ. Sau khi dỡ bỏ hệ thống vũ khí, Mỹ lắp vào đó rađa và các thiết bị điện tử như một phần trong thỏa thuận với Philippines.

Vụ đụng độ là động thái mới nhất làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc khẳng định có chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng nước sát gần bờ biển nước khác và cách đất liền của nước này hàng trăm km.

Trương Hoa, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm nay nói rằng không có bình luận gì về vụ việc vừa xảy ra.

Tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Phnom Penh hồi đầu tháng, Philippines đã kêu gọi tổ chức hội nghị cấp cao khu vực để bàn thảo về tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối "quốc tế hoá", và thiên về hội đàm song phương.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, cuối tuần qua, hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh Biển Đông” đã diễn ra ở Saint Petersburg với sự tham gia của các chuyên gia, học giả đến từ Nga và một số nước châu Âu, châu Á và Australia.

Các tham luận tại hội thảo đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do yêu cầu và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc; phản đối và phê phán khái niệm “đường lưỡi bò” là thiếu căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn; kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Theo Vietnamnet

;
.
.
.
.
.