.

Kỷ nguyên mới của Myanmar

.

Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử Quốc hội ngày 1-4 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới ở Myanmar và mở đường để Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ trừng phạt.

Ngày 2-4, bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung mang tính lịch sử ở Myanmar. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy bà Suu Kyi đã đắc cử ghế nghị sĩ tại cơ quan lập pháp của nước này và Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà cũng có thể chiếm đa số ghế trong 45 ghế trống của các nghị sĩ được bổ nhiệm vào chính phủ mới hồi năm ngoái. Bà Suu Kyi là một trong 44 ứng viên của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD). Đây là lần đầu tiên NLD tham gia bầu cử cạnh tranh với 16 đảng khác và tổng cộng 176 ứng viên, kể từ khi đảng này giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu vào năm 1990.  

Bà Aung San Suu Kyi với niềm vui chiến thắng.                                                           Ảnh: AP
Bà Aung San Suu Kyi với niềm vui chiến thắng. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar diễn ra sau một năm quốc gia này có những thay đổi đáng kể: Chính phủ phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, tổ chức đối thoại với các chiến binh thuộc tộc người thiểu số, cho phép các nghiệp đoàn thương mại hoạt động... Phát biểu trước những người ủng hộ tại trụ sở của NLD ở Yangon, bà Suu Kyi nói rằng, bầu cử lần này sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới với việc vai trò của người dân được chú trọng trong đời sống chính trị mỗi ngày ở Myanmar. Bà gọi cuộc bầu cử là chiến thắng của mọi người và mục tiêu lúc này là hòa giải với các đảng khác. Bà Suu Kyi cũng hy vọng tất cả các đảng khác tham gia cuộc bầu cử sẽ hợp tác với NLD để tạo ra môi trường dân chủ thật sự. Ủy ban Bầu cử vẫn chưa xác nhận kết quả, nhưng các quan chức Chính phủ đã đề cập đến chiến thắng của bà Suu Kyi và nhiều người dân Myanmar cũng đổ xuống đường phố để reo hò.

Nhiều quan chức ở các nước phương Tây và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được mời đến quan sát cuộc bỏ phiếu. Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin khẳng định: Cuộc bầu cử là dân chủ, công bằng và minh bạch. Mỹ và EU hàm ý rằng sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Myanmar nếu bầu cử diễn ra công bằng và dân chủ. Các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt lên quốc gia châu Á có 60 triệu người trong 20 năm qua. Theo Reuters, việc dỡ bỏ trừng phạt có thể mở ra làn sóng đầu tư cho đất nước giàu tài nguyên giáp Ấn Độ và Trung Quốc. Những tuần gần đây, các doanh nghiệp, hầu hết từ châu Á, một số từ châu Âu và Mỹ, đã đến Yangon để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong lúc đó, phát biểu từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chúc mừng Myanmar với cuộc bỏ phiếu, đồng thời khẳng định Washington sẽ ủng hộ những nỗ lực cải cách của đất nước châu Á này. Các Ngoại trưởng ASEAN có mặt tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 2-4 đã hoan nghênh rằng, đây là cơ hội để Myanmar thực hiện tiến trình cải cách. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng sẽ sớm đến thăm Myanmar và đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo New Delhi đến nước láng giềng này trong suốt 25 năm qua.

Hãng AP cho rằng, cuộc bầu cử được đánh giá là phép thử cho những cam kết đổi mới của Chính phủ Tổng thống Thein Sein. Hầu hết 664 ghế Quốc hội đang thuộc quyền kiểm soát của đảng cầm quyền là Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP).

Bà Suu Kyi tốt nghiệp ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế ở Đại học Oxford (Anh), trở về nước vào năm 1988 và tham gia chính trường với tư cách con gái của Tướng Aung San, người anh hùng của nền độc lập Myanmar bị ám sát vào tháng 7-1947. Song, nữ chính khách 66 tuổi này đã trải qua gần 20 năm trong tù do bà nỗ lực đấu tranh dân chủ. Tháng 6-1989, bà bị quân đội giam lỏng và sau đó được phóng thích vào tháng 7-1995, rồi lại bị bắt và cuối cùng được trả tự do vào tháng 10-2010 khi chính quyền Myanmar tiến hành hàng loạt cải cách.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.