Mỹ công bố sẽ nới lỏng việc hạn chế đầu tư vào Myanmar, đồng thời nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ trong lúc quốc gia châu Á này thúc đẩy cải cách sau cuộc bầu cử Quốc hội mang tính lịch sử.
Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho rằng, việc Mỹ nới lỏng cấm vận Myanmar là dấu hiệu mới nhất trong quan hệ giữa 2 nước. Theo đó, Washington sẽ tăng cường viện trợ, cho phép các quan chức Myanmar đến Mỹ, hủy lệnh cấm du lịch nước ngoài, nhưng không dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp cấm vận được áp đặt chống nước châu Á này suốt 20 năm qua.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả cuộc bầu cử ngày 1-4 ở Myanmar là bước đi quan trọng, đồng thời ca ngợi vai trò lãnh đạo và lòng can đảm của Tổng thống Myanmar Thein Sein sau khi phe đối lập, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo với 43/45 ghế được bầu bổ sung, đồng thời bản thân nữ chính trị gia từng đoạt giải Nobel Hòa bình này cũng giành được một ghế trong Quốc hội. Bà Clinton khẳng định Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng cấm vận trong các dịch vụ tài chính và đầu tư của Washington ở những khu vực ủng hộ cải cách tại Myanmar. Các quan chức Mỹ cũng cho biết, họ đang xem xét để quyết định các giải pháp và khung thời gian, trong đó ưu tiên hàng đầu là cho phép sử dụng thẻ tín dụng ở Myanmar bởi tại một vài quốc gia, hiện các loại thẻ MasterCard, Visa và American Express không được chấp nhận.
Theo Ngoại trưởng Clinton, trong một vài ngày tới, Mỹ sẽ hoàn tất các thủ tục và cử một đại sứ đến Myanmar, thực hiện cam kết cải thiện quan hệ sau gần 2 thập niên căng thẳng. Bà Clinton cũng đã đến Myanmar vào tháng 12 năm ngoái.
Trong các động thái khác, Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ sẽ thiết lập văn phòng ở Myanmar để giám sát việc thúc đẩy khoản viện trợ 35 triệu USD hằng năm. Các tổ chức riêng rẽ của Mỹ cũng sẽ được phép triển khai công việc tại Myanmar, bao gồm các lĩnh vực y tế và giáo dục. Tuy nhiên, AFP cho hay, Myanmar vẫn còn chịu những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Quốc hội Mỹ, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt như ngọc bích. Bà Clinton nhấn mạnh: Cấm vận vẫn được áp đặt với những cá nhân và tổ chức “vì những sai lầm trong nỗ lực cải cách”.
Quyết định của Mỹ trong việc thay đổi thái độ với Myanmar được đưa ra chỉ sau một ngày kết thúc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thúc giục Mỹ và phương Tây dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar sau cuộc bầu cử được đánh giá là “minh bạch, tự do và công bằng”, để giúp nước này phát triển kinh tế, chính trị. Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ có động thái tương tự Mỹ. Tại London, Ngoại trưởng Anh William Hague xác nhận điều này. Song, theo ông Hague, việc EU dỡ bỏ cấm vận không có nghĩa là hoàn toàn mở ra cánh cửa giao dịch thương mại với Myanmar. Ông Hague vẫn giữ quan điểm tiếp tục gây áp lực với Chính phủ Myanmar trong việc trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Thực tế, tuy Đảng NLD của bà Suu Kyi giành 43/45 ghế được bầu bổ sung nhưng Đảng cầm quyền là Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) vẫn chiếm 80% ghế trong Quốc hội kể từ sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2010. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, sự hiện diện của bà Suu Kyi và Đảng NLD chỉ là phép thử cho cam kết cải cách của Tổng thống Thein Sein. NLD đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử vào năm 1990 nhưng không được nắm quyền. Còn bà Suu Kyi trải qua thời gian dài trong nhà tù trước khi được phóng thích vào tháng 10-2010.
PHÚC NGUYÊN