.

Nga-Trung Quốc bắt đầu tập trận chung

.

(ĐNĐT)-Ngày 22-4, quân đội Nga và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 6 ngày trên biển Hoàng Hải, đánh dấu quan hệ ấm dần lên của quân đội hai nước và sự hợp tác đang ngày càng gia tăng trong các vấn đề quốc tế giữa hai nước này.

Tuần
Tuần dương hạm Varyag. Ảnh: THX

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, cuộc tập trận 6 ngày sẽ gồm các bài tập mô phỏng chống máy bay, chống tàu ngầm và các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, kể cả các biện pháp đối phó bằng điện tử và các công nghệ cảm biến khác.

Hải quân hai nước cũng sẽ huy động máy bay và các đơn vị đặc nhiệm để tiến hành các bài tập phối hợp chống khủng bố.

Tướng về hưu, Yin Zhou cho rằng, với cuộc tập trận này, người ta thấy độ tinh cậy của hai bên đã tăng cao. “Đó là một cuộc giao lưu đặc biệt để Trung Quốc có thể cùng tập trận ở những vùng nhạy cảm như vậy”, ông Yin nói với CCTV.

Về phía Nga, các tàu chiến gồm tàu chỉ huy Varyag thuộc hạm đội Thái Bình Dương, một tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường lớp Slava cùng 3 tàu khu trục lớp Udaloy là tàu nguyên soái Shaposhnikov, tàu đô đốc Panteleyev và tàu đô đốc Vinogradov cùng với 3 tàu hỗ trợ hạm đội khác.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đưa 2 tàu ngầm, 16 tàu chiến, trong đó có các tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu cứu thương, tham gia tập trận. Ngoài ra còn có sự tham gia của 13 máy bay chiến đấu, 5 trực thăng trên tàu chiến. Khoảng 4.000 binh sĩ Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận trên.

Phó tham mưu trưởng lực lượng hải quân hai nước sẽ giám sát cuộc tập trận ở vùng cảng Thanh Đảo, đông bắc Trung Quốc, nơi có căn cứ của hạm đội Bắc Hải của nước này.

Trung Quốc từng là khách hàng quan trọng của nền công nghiệp vũ khí Liên Xô trước đây. Tuy vậy, những tiến bộ về mặt công nghệ gần đây trong nước đã làm cho Trung Quốc không còn phụ thuộc nhiều vào vũ khí của Nga. Tuy vậy, việc Trung Quốc sao chép công nghệ máy bay phản lực Sukhoi của Nga đã gây tranh cãi giữa hai nước trong thời gian qua.

Từ năm 2005 đến nay, Nga và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải, một tổ chức gồm các nước Nga, Trung Quốc và 4 quốc gia vùng Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Quang Hiển (theo THX, AP)
 

;
.
.
.
.
.