.

Nhân tố thúc đẩy chạy đua vũ trang

Không nghi ngờ gì nữa, các cường quốc thay đổi mục tiêu và định hình chiến lược mới tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như chương trình hạt nhân bị ngăn cấm là một trong những nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên bình diện rộng ở khu vực này. Quan sát diễn biến thời gian qua, có thể thấy nổi bật một số nhân tố mấu chốt sau:

Một là, Mỹ đang nhanh chóng chuyển những chính sách ưu tiên cả ngoại giao lẫn quân sự từ Âu sang Á, với hàm ý vừa củng cố vị thế của mình, vừa ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoài các vị trí đã có là căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 điểm mà Mỹ lựa chọn để nhắm đến là Úc và Philippines. Trong những chuyến thăm giữa 2 nước, Washington và Canberra đã hoàn tất các thỏa thuận để đưa quân Mỹ đến đồn trú tại Úc. Còn đối với Manila, Washington đang có những hỗ trợ cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố và tiếp tục trang bị cho quân đội nước này các thiết bị, vũ khí hiện đại như: tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay chiến đấu. Không những vậy, Washington đang muốn khôi phục căn cứ quân sự Subic, từng phục vụ cho cuộc chiến tranh Việt Nam, để các tàu chiến của Mỹ hoạt động tại khu vực này thuận lợi.

Hai là, Trung Quốc một mặt tăng ngân sách quốc phòng lên 2 con số, trang bị nhiều vũ khí hiện đại cho quân đội, kể cả đóng tàu sân bay; mặt khác đề ra các mục tiêu đầy tham vọng và phi lý về lãnh thổ khu vực Biển Đông, gây ra các tranh chấp với hàng loạt nước láng giềng. Bắc Kinh không úp mở khi coi cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Nam là “lợi ích cốt lõi”, vẽ bản đồ, hình thành các lực lượng để tuần tra, kiểm soát, gây hấn với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam… Thậm chí, một số viên tướng “diều hâu” của Trung Quốc không ngần ngại khi đề cập tới một cuộc chiến tranh hạn chế với một số quốc gia láng giềng để “dạy cho họ bài học” vì dám khẳng định chủ quyền trên những khu vực được cho là “của Trung Quốc” (?!). Đồng thời, Bắc Kinh cũng cảnh báo Washington rằng, chớ có can thiệp vào Biển Đông nói riêng và cả khu vực châu Á nói chung, nơi được cho là lợi ích sống còn của Trung Quốc. Chính hành động này đã khuấy động toàn bộ các quốc gia châu Á xem xét lại chính sách quốc phòng của mình để đối phó với nguy cơ chiến tranh cục bộ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ba là, Ấn Độ có những tranh chấp dai dẳng phức tạp về biên giới với Trung Quốc, kể cả chiến tranh với Pakistan, nên đã trở thành nước mua sắm vũ khí vào hàng đầu thế giới hiện nay. Ngoài việc không ngừng tăng cường kho vũ khí hạt nhân, thử các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, từ nay đến năm 2020, Ấn Độ chi cả trăm tỷ USD để mua hàng trăm máy bay chiến đấu của Pháp, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm của Nga, một số loại vũ khí hiện đại của Mỹ và Israel… Đồng thời, New Delhi cũng thường xuyên động binh ra sát biên giới với Trung Quốc và Pakistan khi có những dấu hiệu bất thường.

Bốn là, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không được cộng đồng quốc tế chấp nhận đã liên tục gây căng thẳng cho khu vực Đông Bắc Á cũng như một số nước liên quan. Điểm nóng hiện nay là việc Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo đang bị Mỹ và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… phản đối quyết liệt. Thậm chí, Tokyo, Seoul đang lên kế hoạch bố trí các tên lửa để bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Nhật Bản, với Hàn Quốc, hay cuộc tập trận của Bình Nhưỡng đều khuấy động Đông Bắc Á vào vòng xoáy với những tuyên bố trả đũa hay đe dọa chiến tranh.

Các yếu tố trên càng cho thấy, ở châu Á, ngoài Ấn Độ và Trung Quốc thì Úc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… đều đang rất mạnh tay đầu tư quốc phòng. Có 3 lý do: Các nền kinh tế châu Á đang trỗi dậy; quá trình mua sắm sôi động đang diễn ra ở Đông Nam Á, Nam Á và Đông Á; cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu. Những lý do đằng sau mỗi quốc gia trong ưu tiên chi tiêu quốc phòng có thể khác nhau nhưng rõ ràng có một yếu tố liên quan mạnh mẽ. Đó chính là “cơn sóng ngầm” được tạo ra từ những toan tính của Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.