Nhật Bản đã hoàn tất việc triển khai lá chắn tên lửa ở thủ đô Tokyo và phái các tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn đến biển Hoa Đông nhằm tăng cường phòng vệ khi CHDCND Triều Tiên có kế hoạch phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mang theo vệ tinh vào giữa tháng 4 này.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cùng những người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì và Nhật Bản Koichiro Gemba tại cuộc họp 3 bên ngày 8-4. Ảnh: AP |
Kế hoạch của CHDCND Triều Tiên và cả động thái mới nhất từ Nhật Bản lẫn cuộc họp của các Ngoại trưởng 3 nước Hàn, Nhật, Trung vào ngày 8-4 đang làm tình hình ở Đông Bắc Á trở nên căng thẳng. Thực tế, Tokyo đang chịu áp lực khi vừa lo tên lửa của Bình Nhưỡng có khả năng rơi xuống lãnh thổ quốc gia này, vừa cảnh giác với các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bình Nhưỡng nói rằng, sẽ phóng vệ tinh với mục đích nghiên cứu khoa học hòa bình trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16-4 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trong khi đó, tàu Hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyakojima để tiến ra Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã “bật đèn xanh” để bắn hạ tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, tàu Aegis và hệ thống PAC-3 tạo thành lá chắn tên lửa 2 tầng. Tên lửa SM-3 phóng đi từ tàu Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Nhưng nếu SM-3 trượt mục tiêu, tên lửa PAC-3 sẽ bắn phá tên lửa của Bình Nhưỡng khi nó đi vào bầu khí quyển Trái đất. Năm 2009, Tokyo cũng từng ra lệnh chuẩn bị phòng vệ tên lửa trước đợt phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng - vụ việc khiến Hội đồng Bảo an LHQ chỉ trích và thắt chặt cấm vận đối với quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Lần đó, Bình Nhưỡng cũng khẳng định phóng tên lửa mang theo vệ tinh quay quanh quỹ đạo, nhưng tên lửa lại bay qua lãnh thổ của Nhật Bản.
Gặp gỡ 2 người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba và Hàn Quốc Kim Sung-hwan tại thành phố Ninh Ba (Trung Quốc), Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bày tỏ quan ngại và lo lắng về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Dương Khiết Trì cho rằng, mối quan tâm chung của tất cả các bên là giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như bảo đảm hòa bình lâu dài và ổn định ở Đông Bắc Á. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, kiềm chế và kêu gọi đối thoại để giải quyết căng thẳng. Là đồng minh lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, lại nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, Bắc Kinh vốn được Mỹ và các nước trong khu vực Đông Bắc Á kỳ vọng sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tạo áp lực với Bình Nhưỡng. Lần này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cũng thúc giục Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc phản ứng với kế hoạch của Bình Nhưỡng.
Không những Nhật Bản, mà cả Hàn Quốc cũng bị áp lực khi theo dõi diễn biến của việc phóng tên lửa từ quốc gia láng giềng phía Bắc. Báo chí Hàn Quốc ngày 8-4 dẫn một nguồn tin tình báo cho biết, CHDCND Triều Tiên cũng đang chuẩn bị thử hạt nhân lần 3 và cùng địa điểm với 2 vụ thử trước đó. Nguồn tin mà phía Seoul đưa ra là những bức ảnh vệ tinh thương mại cho thấy các công nhân của Bình Nhưỡng đang đào một đường hầm tại thị trấn Punggye-ri, huyện Kilju. Công trình này được cho là ở giai đoạn cuối.
Ba năm trước, CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân. Nhưng tháng 2 vừa qua, nước này đã đồng ý tạm ngừng thử hạt nhân cũng như việc làm giàu uranium để đổi lấy lương thực. Tuy nhiên, kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh đã chấm dứt mọi hy vọng nối lại đàm phán bởi Mỹ và nhiều quốc gia đều nghi ngờ Bình Nhưỡng sẽ thử tên lửa tầm xa.
VĨNH AN