Nhà Trắng lại cáo buộc một công ty của Trung Quốc đã bán một phần thiết bị vận chuyển tên lửa mới cho CHDCND Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của LHQ, và phương tiện này được phô diễn trong cuộc diễu binh mới đây.
Xe chở tên lửa bị nghi do Trung Quốc thiết kế. Ảnh: Reuters |
Sau lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó có lễ duyệt binh quy mô lớn, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama nghi ngờ một công ty Trung Quốc đã cung cấp khung xe và các phần khác để tạo thành phương tiện vận chuyển tên lửa cho CHDCND Triều Tiên. Đây là xe chở tên lửa 8 trục, bị nghi do Trung Quốc thiết kế, thậm chí xuất xứ từ nước này. Washington muốn dùng vụ việc để gây áp lực đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải ủng hộ lệnh cấm vận Bình Nhưỡng. Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, để thúc đẩy cấm vận đối với chương trình tên lửa đạn đạo và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa Unha-3 thất bại. Song, sự kiện này làm dấy lên quan ngại rằng, Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân khác. Theo Reuters, Mỹ nghi ngờ Công ty Hồ Bắc Tam Giang của Trung Quốc đã không bán toàn bộ phương tiện mà chỉ bán khung xe và nghĩ rằng nó sẽ được dùng vào mục đích dân sự. Và với mục đích sử dụng như thế, Công ty Hồ Bắc Tam Giang không vi phạm Nghị quyết của LHQ - cấm bán công nghệ cho CHDCND Triều Tiên để nước này đầu tư vào chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, phát hiện của Mỹ vẫn khiến Washington hoài nghi Trung Quốc chưa nỗ lực để ngăn chặn tình trạng tuồn vũ khí cho Bình Nhưỡng.
Các nhà ngoại giao của LHQ tại New York nói rằng, một số phái đoàn của cơ quan quốc tế này đã biết vụ việc và đang xem xét Công ty Hồ Bắc Tam Giang có vi phạm lệnh cấm của LHQ hay không.
Trong lúc đó, Trung Quốc bác bỏ tất cả cáo buộc. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin, thái độ của Bắc Kinh không thay đổi. “Chúng tôi giữ quan hệ với tất cả các bên, trong đó có Mỹ, về vấn đề phi hạt nhân hóa”, người phát ngôn Liu Weimin nói. Nhà Trắng cũng xác nhận vẫn giữ mối quan hệ với Trung Quốc.
Chính những vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009 của CHDCND Triều Tiên đã dẫn đến việc Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh cấm các nước bán công nghệ tên lửa và hạt nhân cho Bình Nhưỡng. Nay Hội đồng Bảo an cũng đang xem xét đưa tên các công ty và cá nhân vào “danh sách đen” - bị “đóng băng” tài sản và cấm ra nước ngoài, vì đã hỗ trợ cho Bình Nhưỡng.
Bất chấp áp lực từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết giữ quan hệ chặt chẽ với đồng minh
CHDCND Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy thông tin chiến lược và hợp tác đối với các vấn đề quốc tế quan trọng, đồng thời duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, Đài Truyền hình Trung Quốc dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh.
Ngày 24-4, Hãng Reuters cho biết, CHDCND Triều Tiên dường như đã hoàn tất việc chuẩn bị thử hạt nhân lần ba và có thể sớm thực hiện vụ thử. Các báo Hàn Quốc cũng dẫn lời những quan chức nói rằng, vụ thử có khả năng diễn ra trong khoảng 2 tuần tới. Song, nguồn tin được Reuters trích dẫn không nói rõ vụ thử lần ba dùng plutonium hay Bình Nhưỡng sẽ sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích dự đoán CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên sẽ nỗ lực thử một thiết bị hạt nhân có dùng uranium được làm giàu ở cấp độ cao.
Ngày 24-4, Hàn Quốc thắt chặt an ninh ở khu vực có các đài truyền hình lớn và báo chí sau lời đe dọa của CHDCND Triều Tiên rằng sẽ có “những hành động đặc biệt” để tấn công vào các mục tiêu này. Theo đó, khoảng 200 cảnh sát được triển khai quanh các báo Dong-A Ilbo, Chosun Ilbo và JoongAng Ilbo cũng như các đài KBS, MBC và YTN. |
PHÚC NGUYÊN