.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Sarkozy hay Hollande?

.

Ngày 22-4, khoảng 44,5 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một để bầu chọn Tổng thống mới với các vấn đề quan tâm là lương, hưu trí, thuế, thất nghiệp… Cuộc đua song mã của nhà lãnh đạo đương nhiệm Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Đảng Xã hội Francois Hollande diễn ra trong lúc có những quan ngại về khủng hoảng ở khu vực đồng euro, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Ông Nicolas Sarkozy (bìa phải) trong chiến dịch tranh cử ở Paris.               Ảnh: Reuters
Ông Nicolas Sarkozy (bìa phải) trong chiến dịch tranh cử ở Paris.                        Ảnh: Reuters

Tuy gọi đây là cuộc đua song mã của 2 nhân vật nổi bật nhất trong số 10 ứng viên: ông Sarkozy và ông Hollande, nhưng thực tế cho thấy ưu thế nghiêng về phía ứng viên của Đảng Xã hội. Dù ông Sarkozy liên tiếp đưa ra những cam kết mạnh mẽ, nhưng sự hùng hồn ấy khó có thể thay đổi được cái nhìn của cử tri đối với nhiệm kỳ ảm đạm: tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%; Chính phủ giảm chi tiêu, tăng thuế, cắt giảm an sinh xã hội, tăng tuổi hưu... Đó là chưa nói đến việc Pháp bị Hãng Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng trong tháng 1 vừa qua.

Ông Sarkozy lên nắm quyền vào năm 2007 trong kỳ vọng tạo nên sự thay đổi, nhưng ứng viên trung hữu này đã trả lời cử tri bằng một nhiệm kỳ thất bại. Các công nhân và cử tri trẻ vốn bị ông thu hút bởi lời hứa vào năm 2007 rằng sẽ trả lương cao hơn thì nay họ quay lưng với ông. Vì vậy, bức tranh u ám của nền kinh tế Pháp trong những năm qua có thể làm ông Sarkozy trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước này trong 30 năm qua thất bại khi tái tranh cử.

Trong khi đó, giới quan sát đều khẳng định ông Hollande đang được lòng cử tri. Chính trị gia 57 tuổi này cũng cam kết cắt giảm chi tiêu, nhưng cách mà ông thể hiện không quyết liệt như Tổng thống Sarkozy. Hollande cũng muốn mạnh tay tăng thuế nhưng chỉ nhắm vào các tập đoàn và những người giàu, đặc biệt đánh thuế 75% đối với những ai thu nhập hơn 1 triệu euro/năm (1,32 triệu USD), đồng thời dùng khoản thu này để Nhà nước tạo ra việc làm. Ông còn muốn tăng lương tối thiểu, hạ tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống 60. Nếu chiến thắng, ông Hollande sẽ trở thành Tổng thống cánh tả đầu tiên ở Pháp kể từ thời ông Francois Mitterand, người đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Valery Giscard-d’Estaing vào năm 1981.

Chiến dịch tranh cử 2012 cũng chứng kiến sự thăng tiến của ứng viên cực hữu của Mặt trận quốc gia Marine Le Pen với dự đoán khoảng 16% số phiếu và ứng viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Melenchon với khả năng giành được 12-15% số phiếu. Song, so với các đối thủ Sarkozy và Hollande, Le Pen và Melenchon vẫn rất mờ nhạt nên con đường đến Điện Elysee thật xa vời.

Nếu đặt 2 ứng viên hàng đầu lên bàn cân cùng với thăm dò của dư luận trước thềm bầu cử thì rất dễ dàng nhận thấy ai sẽ giành được nhiều phiếu hơn. Dù ngày 22-4 là “Thời khắc của sự thật” (theo cách gọi của ông Sarkozy) hay là “Ngày phán quyết” (theo cách gọi của những người ghét ông) thì những gì diễn ra đều minh chứng rằng người Pháp muốn thay đổi. Và đương nhiên họ muốn một nhà lãnh đạo có thể mang lại sự thay đổi khi quốc gia châu Âu này tăng trưởng kinh tế yếu ớt, thâm hụt thương mại cao cùng hàng loạt vấn đề khác. Giới quan sát cho rằng, hình ảnh ông Sarkozy và ông Hollande không xa lạ gì với người dân Pháp trên truyền hình, trong các chiến dịch tranh cử... Đối lập với một Sarkozy bóng bẩy, hào nhoáng là một Hollande giản dị, gần gũi. Đối lập với những cam kết không còn mang lại sự tin tưởng của ông Sarkozy là những cam kết mang tính khả thi hơn của ông Hollande. Nhưng cử tri dường như tin vào câu nói của ứng viên Đảng Xã hội: “Khi bạn đại diện cho nước Pháp, mọi thứ sẽ thay đổi”, bởi ông đã đề cập đến điều mà người dân mong đợi nhất: cần thay đổi để mang lại cho đất nước một chiếc áo mới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Sarkozy hay Hollande? Câu trả lời hiển nhiên thuộc về người Pháp.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.