(ĐNĐT) - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã từ chức ngày 23-4, sau khi một đảng cánh hữu rút khỏi liên minh của chính phủ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến cung điện hoàng gia để chính thức đề nghị từ chức. Ảnh: Getty |
Động thái trên có thể mở đường cho việc bầu cử sớm tại Hà Lan, có thể là trong mùa hè này. Hiện các nghị sĩ Hà Lan dự định nhóm họp vào ngày 24-4 để quyết định các bước tiếp theo.
Chính phủ của Thủ tướng Rutte đã dựa vào sự ủng hộ của đảng Tự do (PVV) của ông Geert Wilder, một đảng đứng thứ ba trong cuộc bầu cử quốc hội cách đây hai năm.
Vào năm 2010, không có đảng nào đạt đủ số ghế để tự mình thành lập chính phủ, vì thế ông Rutte đã lập ra chính phủ liên minh với một đảng trung hữu khác.
Tuy nhiên, ngay cả liên minh đó cũng không thể nắm đa số tại quốc hội và vì vậy, họ phải dựa vào sự ủng hộ của đảng Tự do của ông Geert Wilders.
Chính phủ rơi vào khủng hoảng khi ông Geert Wilders tẩy chay cuộc đối thoại nhằm mục tiêu cắt bớt 16 tỷ euro từ ngân sách. Ông Wilders cho rằng, ông sẽ không chấp nhận các yêu cầu thắt lưng buộc bụng để đưa thâm hụt ngân sách đúng với các quy định của EU.
Kể từ ngày 5-3, hai đảng trong liên minh của chính phủ đã cùng với đảng Tự do của ông Geert Wilders đã cố gắng đạt một thỏa thuận cắt giảm ngân sách. Một dự báo gần đây của Cục kế hoạch trung ương Hà Lan cho thấy, thâm hụt ngân sách công của nước này trong năm 2013 sẽ lên 4,7%, khá cao so với mục tiêu 3% của EU.
Trong khi đó, Hà Lan bị yêu cầu phải gửi các biện pháp ngân sách của mình cho Ủy ban châu Âu vào ngày 30-4.
Ông Wilders cho rằng, các đề nghị của hai đảng kia sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến sức chi tiêu của nhiều người. Lãnh đạo đảng Xã hội, Emile Roemer cho biết, ông cũng không chuẩn bị để ủng hộ nỗ lực đưa thâm hụt ngân sách về dưới 3% vào năm 2013.
Đài truyền hình Hà Lan cho biết, ông Rutte đã ở dinh thự của Nữ hoàng tại La Hay trong gần hai giờ vào hôm 23-4. Tại đó, ông đã chính thức tuyên bố việc từ chức của chính phủ.
Cùng lúc, Nữ hoàng Beatrix đã yêu cầu Thủ tướng Rutte và các bộ trưởng của ông hãy yên vị cho đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra.
Quang Hiển (theo CNN, BBC)