Sau khi Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani nhận bản án tượng trưng, các đảng đối lập đã yêu cầu nhà lãnh đạo này từ chức.
Ông Gilani giữa vòng vây những người ủng hộ và lực lượng an ninh khi rời Tòa án. Ảnh: AFP |
Khủng hoảng chính trị bắt đầu trở lại với Pakistan sau khi phiên tòa kéo dài suốt 3 tháng xét xử Thủ tướng Yusuf Raza Gilani kết thúc vào ngày 26-4, Tòa án Tối cao Pakistan đã kết tội Thủ tướng Gilani khi ông từ chối điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari. Tuy nhiên, Tòa án chỉ quyết định lưu giữ ông Gilani một vài phút - bản án mang tính tượng trưng, chứ không đưa ra mức án 6 tháng tù như dự đoán.
Hãng Reuters cho biết, ông Gilani là Thủ tướng đầu tiên của Pakistan bị tòa kết tội. Khi án được tuyên, ông đã mỉm cười rồi ra về trong vòng vây của báo giới và những người ủng hộ. Theo giới quan sát, câu hỏi được đặt ra lúc này là khi bị kết tội, ông Gilani có phải từ nhiệm không. Hiến pháp của Pakistan quy định: Bất kỳ ai bị kết tội phỉ báng hoặc chế giễu bộ máy tư pháp ở quốc gia Nam Á này thì bị cấm trở thành nghị sĩ. Song, theo các chuyên gia, tiến trình loại bỏ ông Gilani có thể phải kéo dài ít nhất 4 tháng, liên quan đến Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban bầu cử. Đồng thời, việc sa thải ông Gilani sẽ không dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ, bởi Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) có thể chọn một nghị sĩ khác thay thế ông.
Tuy nhiên, theo AFP, những gì diễn ra trong ngày 26-4 sẽ tạo ra bất ổn chính trị mới trong khi Pakistan phải đối mặt với lực lượng chiến binh Hồi giáo và ly khai, chật vật chèo chống nền kinh tế và khủng hoảng năng lượng.
Ngay lập tức, các đảng đối lập yêu cầu ông Gilani phải từ chức. Nawaz Sharif, Chủ tịch Liên minh Hồi giáo Pakistan (PML-N), kêu gọi ông Gilani từ nhiệm và tiến hành bầu cử sớm. Phát biểu trên Đài truyền hình Geo, ông Sharif cho rằng, phán quyết của tòa dựa trên sự thật. “Nếu ông ấy (Gilani) tiếp tục làm Thủ tướng, điều này sẽ là sự miệt thị Tòa án”, ông Sharif nói. Thậm chí, lãnh đạo của PML-N nhấn mạnh: Đảng này sẽ quyết định hành động nếu Thủ tướng Gilani tham dự phiên họp của Quốc hội sau khi bị kết án. Chủ tịch Đảng Jamaat-e-Islami, ông Munawar Hussain, cũng thúc giục Thủ tướng Gilani từ chức. Trong lúc đó, các thành viên Chính phủ Islamabad khẳng định ông Gilani vẫn tiếp tục tại nhiệm và sẽ kháng án bởi họ cho rằng, phán quyết này mang động cơ chính trị.
Cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Zardari cho rằng, vào những năm 1990, ông Zardari cùng vợ - cựu Thủ tướng Benazir Bhutto đã sử dụng các tài khoản ở Thụy Sĩ để rửa tiền, khoảng 12 triệu USD. Số tiền này do các công ty hối lộ cho ông Zardari để có được các hợp đồng kiểm tra hải quan.
Thủ tướng Gilani khẳng định đồng minh của ông - Tổng thống Zardari vô tội. Tháng 12-2009, Tòa án Tối cao đã cho dừng điều tra đối với Tổng thống và các chính trị gia khác.
BÌNH YÊN