.
Căng thẳng trên Biển Đông

Trung Quốc phản ứng với phát biểu của Mỹ

.

Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại đối với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tàu cá Philippines ở gần bãi đá ngầm Scarborough, khu vực tranh chấp với Trung Quốc, ngày 10-5.                                                                                          Ảnh: AFP
Tàu cá Philippines ở gần bãi đá ngầm Scarborough, khu vực tranh chấp với Trung Quốc, ngày 10-5. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại  Philippines dẫn lời người phát ngôn Hồng Lỗi rằng, Bắc Kinh lo ngại về quan điểm của Ngoại trưởng Clinton. Cuối tuần qua, trong phiên điều trần tại Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của Thượng viện Mỹ, bà Clinton cho rằng, những đòi hỏi quá mức của Trung Quốc về chủ quyền đã vượt khuôn khổ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), vốn được ký kết vào năm 1982 và chính thức có hiệu lực từ năm 1994.

Người phát ngôn Hồng Lỗi nhấn mạnh: Về vấn đề Biển Đông, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không tham gia tranh chấp và các nước ngoài khu vực đều không liên quan tới những tranh chấp chủ quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định: Bắc Kinh theo đuổi việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với các nước liên quan trực tiếp.

Theo Báo Philippine Daily Inquirer, phát biểu của ông Hồng Lỗi là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton. Tại phiên điều trần, Ngoại trưởng Clinton cùng các tướng quân đội Mỹ đã đề nghị Washington nên tham gia vào UNCLOS 1982. Bà Clinton cho rằng, Mỹ không phê chuẩn công ước sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh châu Á trong vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Hai Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, ông John Kerry và Barbara Boxer, cũng chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc là một trong 160 nước tham gia UNCLOS.

Năm 2010, Chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định mặc dù Mỹ không liên quan tới tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, nhưng “ông lớn” từ bên kia đại dương vẫn có những lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình. Theo Washington, việc tự do hàng hải tại các vùng nước vốn nằm trên tuyến đường biển trọng yếu của thương mại toàn cầu. Hơn nữa, theo giới quan sát, Mỹ muốn can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines vừa nhằm bảo vệ đồng minh Manila, vừa thực hiện kế hoạch chuyển mối quan tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song giờ đây, người phát ngôn Hồng Lỗi bày tỏ quan ngại về việc Philippines nỗ lực ủng hộ một bên thứ ba tham gia giải quyết xung đột ở bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Bắc Kinh cho rằng, nếu bên thứ ba can thiệp vào vấn đề đảo Hoàng Nham thì sẽ làm căng thẳng giữa nước này với Manila thêm leo thang. Thực tế, Trung Quốc muốn giới hạn việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trong phạm vi các nước liên quan. Tuy nhiên, phía Mỹ và cả ASEAN đều kêu gọi giải pháp đa phương, chứ không chấp nhận cách song phương của Bắc Kinh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tin tưởng rằng, Manila có thể giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Theo ông Rosario, ngoài Mỹ, có ít nhất 3 nước khác (Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc) đang hỗ trợ Philippines thiết lập thế trận quốc phòng.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc cũng vừa công bố kế hoạch tìm kiếm các mẫu đá cháy, một loại hydrate khí thiên nhiên ở khu vực Bắc Biển Đông trong năm 2013. Theo đó, tàu thăm dò nước sâu Hải Dương 6 có trọng tải 4.600 tấn và tầm hoạt động 15.000 hải lý đã hạ thủy để khảo sát nguồn đá cháy ở biển Biển Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.