.

EU muốn Hy Lạp ở lại khối Euro

.

Tuy muốn Hy Lạp ở lại khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro, nhưng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chuẩn bị kế hoạch dự phòng một “kịch bản” xấu nhất.

Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande trả lời báo giới tại Brussels (Bỉ) về giải pháp cho khủng hoảng châu Âu.                                                       Ảnh: Getty Images
Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande trả lời báo giới tại Brussels (Bỉ) về giải pháp cho khủng hoảng châu Âu. Ảnh: Getty Images

Sau gần 6 tiếng đồng hồ thương thảo trong bữa tối 23-5 bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) và trong cuộc họp vào sáng 24-5, các nhà lãnh đạo khẳng định muốn giữ Hy Lại ở lại khối eurozone nhưng Athens phải tôn trọng các cam kết của mình. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, cần có một số bước đi cụ thể để tháo gỡ khủng hoảng nhưng lại không đưa ra giải pháp nào để giúp Hy Lạp tránh nguy cơ phải rời khỏi khối.

Là người hết lòng ủng hộ Hy Lạp với chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với khủng hoảng nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng yêu cầu Athens phải tuân thủ cam kết. Đồng quan điểm với bà Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Herman Van Rompuy kêu gọi Athens tiếp tục “những cải cách thiết yếu” để vượt qua các rối rắm về kinh tế. Khủng hoảng trong khối eurozone phủ bóng lên hội nghị Brussels lần này trong lúc có những quan ngại rằng, Hy Lạp có thể không trụ được trong khối tiền tệ chung. Ông Rompuy cho biết, EU sẽ hành động để đưa Hy Lạp trở lại với tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm.

Ngay trong ngày khai mạc hội nghị (23-5), tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thúc giục phải hành động ngay tức khắc vì sự tăng trưởng và 17 thành viên của eurozone cần đi cùng một hướng. “Chúng ta không còn thời gian để lãng phí”, ông Hollande nói. Tuy muốn thúc đẩy tăng trưởng hơn là chỉ chú trọng “thắt lưng buộc bụng”, nhưng người đứng đầu Điện Elysee đã từ Paris đến Brussels bằng chuyến xe lửa giá rẻ. Trong khi đó, bà Merkel bác bỏ kêu gọi của ông Hollande về việc phát hành trái phiếu chung eurobond và cho rằng, đó không phải là đóng góp để kích thích tăng trưởng trong toàn khối. Nữ Thủ tướng Đức e ngại eurobond sẽ chỉ dẫn đến việc người nộp thuế ở Đức phải gánh thêm các gánh nặng cho những nền kinh tế yếu hơn trong khối eurozone. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua, lãnh đạo của Pháp và Đức không cùng chung quan điểm khi giải quyết vấn đề của châu Âu. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong trục vốn nắm giữ việc hoạch định chính sách của châu lục già cỗi này.

Hãng Reuters nhận định: Khủng hoảng đang lan rộng, các ngân hàng đang chịu áp lực. Và quan ngại lớn nhất là nếu Hy Lạp không được cứu thì các nền kinh tế lớn khác, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, có thể chịu chung số phận. Thực tế, khoảng vay mượn của Tây Ban Nha và Ý đang tăng lên, báo hiệu các quốc gia này có thể phải tìm nguồn giải cứu, tương tự trường hợp của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker kêu gọi các thành viên khối Euro phải xem xét tất cả những gì đang diễn ra, nhưng ông vẫn khăng khăng rằng Hy Lạp vẫn ở lại khối. Trong khi đó, Athens đang bế tắc trong việc thành lập Chính phủ mới. Do không đảng nào có thể hình thành được nội các để tiếp tục thương thảo về quỹ giải cứu nên cuộc bầu cử lại sẽ được tiến hành vào ngày 17-6 tới. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong năm thứ 5 khủng hoảng, Hy Lạp không còn cơ hội phục hồi nếu quốc gia này tiếp tục cắt giảm chi tiêu, tăng thuế - theo yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.