Hy Lạp đang đối mặt với khả năng bầu cử lại, bởi không đảng nào hội tụ đủ số ghế để nắm quyền sau cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần qua.
Lãnh đạo đảng bảo thủ Antonis Samaras (giữa) gặp gỡ những người ủng hộ tại Heraklion. Ảnh: Reuters |
Đảng lớn nhất lúc này là Đảng Dân chủ mới với 18,85% số phiếu. Song, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Đảng Antonis Samaras với các lãnh đạo đảng khác vào ngày 7-5 vẫn không phá vỡ bế tắc. Phát biểu trên truyền hình Hy Lạp ngày 8-5, ông Samaras thừa nhận đã nỗ lực để bảo đảm một kết quả khả năng nhưng không thành công.
Sứ mệnh thành lập Chính phủ mới hiện chuyển sang cho Đảng Syriza cánh tả của Alexis Tsipras. Hãng AFP dẫn lời các đảng cánh tả nói rằng, họ sẽ hình thành liên minh và theo Đài Truyền hình NET, Syriza được Tổng thống Carolos Papoulias cho thời hạn 3 ngày để lập Chính phủ. Ông Tsipras khẳng định sẽ có một liên minh cánh tả để bác bỏ những giải pháp của thỏa thuận vay mượn trong việc cứu Hy Lạp khỏi sụp đổ tài chính. Theo ông Tsipras, Chính phủ mới sẽ đánh thuế vào người giàu để hỗ trợ người nghèo. Trong khi đó, AFP cho hay, các đảng phản đối việc Hy Lạp vay tiền của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể chiếm 151/300 ghế ở Quốc hội. Song, vấn đề là những đảng này thuộc phe cực tả và cực hữu với những khác biệt nên sẽ khó tiến đến một thỏa thuận. Nếu không đảng nào có thể hình thành được Chính phủ mới trước ngày 17-5 tới, Hy Lạp sẽ phải bầu cử lại với thời gian dự kiến trong mùa hè này.
Theo nhà phân tích chính trị Thomas Gerakis, Hy Lạp sẽ phải thành lập bằng được Chính phủ liên minh trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, khi đất nước đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20%. Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Xã hội của Hy Lạp đã sụp đổ. Các đảng đã cùng với một liên minh Chính phủ đặc biệt do nhà kỹ trị Lucas Papademos lãnh đạo thông qua gói giải cứu mới và đàm phán về thỏa thuận để cứu Athens khỏi khủng hoảng nợ công. Song, một nhóm thuộc Đảng Truyền thống KKE (cũng là liên minh cánh tả) - về thứ 5 trong cuộc bầu cử với 8,48% số phiếu, chiếm 26 ghế trong Quốc hội - muốn Hy Lạp ở lại trong khối các nước sử dụng đồng euro, nhưng lại bác bỏ gói giải cứu 130 tỷ euro. KKE cho rằng, quốc gia châu Âu này có thể tồn tại và không cần khoản tiền trên. Không những thế, KKE còn bác bỏ bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào. Thiếu KKE, các đảng chống “thắt lưng buộc bụng” không thể chiếm đa số trong Quốc hội. Điều này đồng nghĩa rằng, cơ hội để ông Tsipras thành lập Chính phủ mới thật mong manh.
Hãng Reuters cho biết, thời gian không còn với Hy Lạp khi nước này có thể hết tiền mặt vào cuối tháng 6 tới nếu không có Chính phủ để thương lượng một đợt viện trợ mới từ EU và IMF.
Trong cuộc bầu cử ngày 6-5 vừa qua, liên minh Đảng Dân chủ mới và PASOK chỉ giành hơn 32% số phiếu, chiếm 149/300 ghế trong Quốc hội. Trước đó, trong cuộc bầu cử vào năm 2009, PASOK đã thắng lớn với 44% số phiếu. Giới quan sát nhận định: Cử tri Hy Lạp muốn trừng phạt Đảng Dân chủ mới và PASOK, 2 đảng nắm quyền ở Hy Lạp trong nhiều thập niên, nhưng lại điều hành kém và để xảy ra tham nhũng.
Tổng cộng có 7 đảng hiện diện ở Quốc hội, trong đó có Đảng Bình minh vàng phát-xít mới lần đầu tiên bước chân vào cơ quan lập pháp của Hy Lạp.
BÌNH YÊN