.

“Kịch bản mới” cho Hy Lạp

.

Tổng thống Hy Lạp phải bổ nhiệm một Chính phủ lâm thời cho đến khi nước này tiến hành bầu cử trở lại. Cuộc bầu cử mới có thể diễn ra vào ngày 10 hoặc 17-6 tới.

Các lãnh đạo đảng đến gặp gỡ Tổng thống Karolos Papoulias để bàn việc thành lập Chính phủ lâm thời.                              				                  Ảnh: Reuters
Các lãnh đạo đảng đến gặp gỡ Tổng thống Karolos Papoulias để bàn việc thành lập Chính phủ lâm thời.      Ảnh: Reuters

Những diễn biến khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp không ngoài dự đoán của các nhà quan sát, sau khi cuộc bầu cử vào ngày 6-5 không mang lại kết quả khả quan, với việc không đảng nào chiếm đa số ghế để có thể tự thành lập Chính phủ. Trong cuộc bầu cử này, đa số cử tri ủng hộ các đảng phản đối kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”, vốn được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hậu thuẫn để đổi lấy những gói cứu trợ. Rồi những nỗ lực thành lập Chính phủ liên minh đều thất bại nên Hy Lạp sẽ phải bầu cử trở lại.

Hãng Reuters cho biết, ngày 16-5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias gặp gỡ tất cả lãnh đạo các đảng chính trị để thành lập Chính phủ lâm thời cho đến khi tiến hành bỏ phiếu lại, dự kiến vào ngày 10 hoặc 17-6 tới. Ông Papoulias đã không còn giải pháp nào khác ngoài việc kêu gọi bầu cử lại. Song, các cuộc thăm dò đều cho thấy, phe cánh tả cực đoan có thể giành chiến thắng, cụ thể là Đảng cánh tả Syriza (về thứ hai trong cuộc bầu cử ngày 6-5) sẽ trở thành đảng lớn nhất. Cũng theo Reuters, điều đáng nói là những gì diễn ra tại Hy Lạp với bức tranh không hề tươi sáng dự báo sẽ làm tổn thương đến các quốc gia trong khối các nước sử dụng đồng euro.

Người Hy Lạp đã và đang rút tiền euro ra khỏi các ngân hàng do quan ngại những rủi ro cho đồng tiền của họ nếu nước này rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hy Lạp George Provopoulos cho biết, riêng trong ngày 14-5, khách hàng đã rút ít nhất 700 triệu euro (894 triệu USD). Một quan chức cấp cao của ngân hàng xác nhận việc khách hàng rút tiền euro, nhưng không có dấu hiệu hoảng loạn như đợt 8 triệu người rút tiền vào tháng 4-2010 - thời điểm trước lúc Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên. Theo các cuộc thăm dò, cử tri đều bày tỏ sự tức giận khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến mức kỷ lục, lương bị cắt giảm và không đồng tình với chính sách khắc khổ của Chính phủ... Song, người dân Hy Lạp vẫn kỳ vọng Athens sẽ ở lại khu vực đồng euro mà không phải tuân thủ các điều kiện áp đặt, như lời hứa của ông Alexis Tsipras - lãnh đạo Đảng Syriza. Người dân Hy Lạp cũng kỳ vọng Tổng thống mới đắc cử của Pháp, ông Francois Hollande, sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho châu Âu và tìm giải pháp cứu Hy Lạp, hơn là chủ trương “thắt lưng buộc bụng”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng, họ sẽ cắt giảm ngân quỹ dành cho Hy Lạp nếu nước này bác bỏ gói cứu trợ vốn được thông qua hồi tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định sẽ không thảo luận thêm về gói cứu trợ cho Hy Lạp nữa. Còn trong lúc này, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde lại lo sợ việc Athens sẽ không trụ được ở khối euro. Các nhà phân tích cho rằng, tất cả những tín hiệu này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ cạn tiền và hệ thống tài chính của quốc gia này sụp đổ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.