Lầu Năm Góc đã bác bỏ thông tin họ đã cho lính biệt kích nhảy dù xuống CHDCND Triều Tiên để do thám.
Hình minh họa |
Luật sư Eric Sirotkin cho rằng, dù việc này có thật hay không thì các cáo buộc liên quan có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trên tờ tạp chí về quan hệ quốc tế của châu Á là The Diplomat có trích lời một vị tướng của quân đội Mỹ là Neil Tolley - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Hàn Quốc. Trong đó, ông Neil Tolley được cho là có nói về việc Mỹ và Hàn Quốc đã gửi lính biệt kích xuống Triều Tiên bằng cách nhảy dù.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, và cho rằng những gì mà vị tướng này nói có thể đã bị tách ra khỏi văn cảnh thực sự.
"Theo tôi hiểu thì, những lời bình luận của tướng [Neil Tolley] đã bị bóp méo, hoặc làm chệch hướng, hoặc bị đưa tin sai, và không thể xác nhận bất kỳ nội dung nào. Một lần nữa, việc đưa tin lính Mỹ trên đất Triều Tiên là sai lệch. Đơn giản là thông tin đó sai" - người phát ngôn George Little của Lầu Năm Góc phát biểu.
Tuy nhiên, thông tin đã bị phát đi và điều này có thể làm quan hệ Mỹ - Triều xấu thêm.
Trước đó, Thiếu tướng Neil Tolley đã phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra ở Florida hồi tuần trước rằng, Bình Nhưỡng đã xây dựng hàng nghìn đường hầm kể từ cuộc chiến Triều Tiên.
"Toàn bộ cơ sở hạ tầng đường hầm được che khuất khỏi tầm ngắm của vệ tinh chúng ta", ông Tolley nói. "Do đó, chúng tôi phái binh sĩ Mỹ và Triều Tiên tới Triều Tiên để do thám đặc biệt".
"Sau 50 năm, chúng ta vẫn chưa biết về khả năng và toàn bộ quy mô của các cơ sở ngầm", thiếu tướng trên cho biết trong bình luận được đăng trên website của tạp chí Hiệp hội công nghiệp quốc phòng quốc gia. Những bình luận này sau đó được tờ The Diplomat trích lại.
Theo ông Tolley, biệt kích được phái đi với các thiết bị tối thiểu để tạo điều kiện cho họ hoạt động và giảm thiểu nguy cơ bị lực lượng Triều Tiên phát hiện.
Luật sư Eric Sirotkin thuộc Chiến dịch Quốc gia nhằm Chấm dứt Chiến tranh liên Triều đã lên tiếng cảnh báo về việc này.
"Chúng ta có xu hướng dựng lên các mối đe dọa từ mọi tình huống đáng sợ hoặc dữ dội từ Triều Tiên để tạo điều kiện cho việc chấm dứt các việc khác, để xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở đảo Jeju, để duy trì quá nhiều binh sĩ đóng ở Hàn Quốc. Có vô số lý do mà chúng ta muốn để duy trì tình trạng căng thẳng tại đây" - ông Sirotkin bình luận.
Luật sư Sirotkin lưu ý rằng, một hành động như vậy có thể sẽ vi phạm Thỏa thuận Đình chiến 1953. Theo ông Sirotkin, bản thân việc binh sĩ nước ngoài vẫn còn đóng tại bán đảo Triều Tiên cũng là một sự vi phạm vào thỏa thuận này.
"Thỏa thuận Đình chiến này là một tài liệu thiếu sót vì nó thực sự không hề duy trì hòa bình" - ông Sirotkin nói.
Luật sư này cho rằng, điều này sẽ khiến gia tăng hoài nghi, khiến cho cả đôi bên nặng lời với nhau và bầu không khí đối thoại trở nên khó khăn hơn.
VietNamNet