.

Liên minh Pháp - Đức trong cuộc chiến nợ công

.

Năm năm trước, ông Nicolas Sarkozy sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống đã đáp chuyến bay đến thủ đô Berlin để bàn thảo về các vấn đề liên quan với Đức, trong đó có câu chuyện về nhà sản xuất máy bay Airbus. Chuyến thăm lúc đó đã dẫn đến mối quan hệ đồng minh khắng khít giữa Pháp và Đức khi đối mặt với hàng loạt vấn đề như cam kết về ngân sách, công bố kế hoạch hợp tác hạt nhân với Libya, nổi bật nhất là cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (bìa trái) chúc mừng người kế nhiệm Francois Hollande. 						                Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (bìa trái) chúc mừng người kế nhiệm Francois Hollande. Ảnh: AP

Ngày 15-5, ông Francois Hollande tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Pháp sau khi đánh bại người tiền nhiệm Sarkozy và sau đó sẽ đến Berlin. Lần này, các quan chức Đức tin rằng, chuyến công du của nhà lãnh đạo mới tại Điện Elysee sẽ tiếp tục mở ra mối quan hệ hợp tác quan trọng giữa Berlin và Paris.

Thời Tổng thống Sarkozy, cái “bắt tay” nồng ấm giữa ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, rồi khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tạo ra biệt danh “Merkozy” (ghép tên bà Merkel với ông Sarkozy). Song, giữa họ vẫn có những bất đồng, tạo ra khoảng cách nhất định. Đó là lý do khiến Thủ tướng Merkel và những người thuộc phe bảo thủ của bà, mặc dù ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của ông Sarkozy nhưng vẫn mong muốn làm việc với người kế nhiệm thuộc Đảng Xã hội, tức ông Hollande. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Đức bày tỏ kỳ vọng sẽ có những tiếng nói chung hơn là những bất đồng giữa bà Merkel với ông Hollande.

Cũng theo Reuters, Tổng thống Hollande được chào đón trang trọng ở thủ đô Berlin với đội quân danh dự. Tuy nhiên, các đồng minh của cả bà Merkel lẫn ông Hollande đều cảnh báo rằng, các cuộc đối thoại sẽ khó khăn khi đề cập đến yêu cầu của nhà lãnh đạo Pháp trong việc thúc đẩy các giải pháp tăng trưởng mới ở châu Âu, thay vì “thắt lưng buộc bụng”. Benoit Hamon, người phát ngôn của Đảng Xã hội Pháp, nói rằng Thủ tướng Merkel không thể là người quyết định duy nhất đối với số phận của châu Âu nhưng dựa trên lợi ích của nước Đức. Trong khi đó, Volker Kauder, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel tại Quốc hội Đức, cảnh báo người nộp thuế ở đất nước này sẽ không trả tiền cho những lời hứa “mở ra con đường mới cho châu Âu” của ông Hollande.

Một số nhà quan sát nhận định: Quan điểm khác biệt về giải pháp đối với khủng hoảng nợ công sẽ làm quan hệ Hollande - Merkel không nồng ấm như thời Sarkozy. Song, các nhà quan sát khác lại cho rằng, một vài tương đồng cũng đủ tạo nền tảng để tìm tiếng nói chung giữa Paris và Berlin. Tối 15-5 (giờ Berlin), Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận về “thỏa thuận tăng trưởng mới” để thực thi yêu cầu của nhà lãnh đạo Đức về siết chặt quy định ngân sách. Cả hai sẽ phải nỗ lực để giữ Hy Lạp ở lại với khối các nước sử dụng đồng euro trong khi Athens đang rơi vào bế tắc chính trị do không thể thành lập được Chính phủ mới.

Khi tuyên thệ nhậm chức, ông Hollande khẳng định nhận biết rất rõ những thách thức mà Pháp phải đối mặt, trong đó có khủng hoảng nợ công và tăng trưởng kém. Đảng Xã hội lên nắm quyền sau 17 năm với tình trạng không khả quan bởi nợ công chiếm 90% GDP, thâm hụt thương mại đạt mức kỷ lục 70 tỷ euro và cứ 4 thanh niên Pháp thì có 1 người thất nghiệp. Đồng thời, theo thống kê chính thức được công bố vào sáng 15-5, nền kinh tế Pháp không có dấu hiệu tăng trưởng trong quý 1-2012. Tất cả những điều này sẽ khiến tân Tổng thống Hollande dè dặt hơn, nhưng cử tri vẫn kỳ vọng “ngài bình thường” này sẽ nỗ lực để khôi phục niềm tin, hay nói cách khác là chuyển tải “thông điệp niềm tin” như ông đã hứa.

Một trong những việc đầu tiên của tân Tổng thống Hollande sau khi nhậm chức là bổ nhiệm Thủ tướng. Theo AFP, vị trí này có thể thuộc về đồng minh thân thiết của ông - lãnh đạo nhóm Xã hội tại Quốc hội Jean-Marc Ayrault. Chức vụ Bộ trưởng Tài chính có thể được trao cho Michel Sapin, cố vấn kinh tế quan trọng của ông Hollande.

Tân Tổng thống 57 tuổi sẽ tổ chức họp nội các vào ngày 17-5 và sau đó đến Mỹ để gặp gỡ Tổng thống Barack Obama.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.