Những diễn biến xung quanh vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đang châm ngòi cho khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi Đối thoại Kinh tế và Chiến lược được bắt đầu tại Bắc Kinh ngày 3-5.
Luật sư Trần Quang Thành (giữa) được đưa đến một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Luật sư Trần Quang Thành muốn rời Trung Quốc để đến Mỹ, đồng thời kêu gọi bảo đảm an toàn cho ông khi ở nước ngoài. Vị luật sư khiếm thị cho biết, ông lo sợ cho cuộc sống của mình khi trốn khỏi sự quản thúc tại gia ở Trung Quốc. Trao đổi qua điện thoại với Hãng thông tấn AFP tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, ông Trần Quang Thành nói: “Tôi muốn ra nước ngoài. Tôi muốn Mỹ giúp tôi và gia đình mình”. AFP cũng cho hay, ông Trần Quang Thành đang điều trị tại bệnh viện với sự quản thúc của Chính phủ Trung Quốc do bị thương khi tìm cách trốn thoát vào tháng 4 vừa qua.
Ông Trần Quang Thành nói rằng, ban đầu, ông không muốn tìm kiếm tị nạn ở nước ngoài nhưng nay thay đổi ý định. Theo AFP, số phận của ông sau khi rời Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đang phủ bóng lên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung vào ngày 3-5.
Các quan chức Mỹ cho hay, Trung Quốc đã cam kết ông Trần Quang Thành và gia đình sẽ được đối xử nhân đạo và đưa đến một nơi an toàn. Song, theo nhóm Viện trợ Trung Quốc có trụ sở ở Mỹ, ông Trần Quang Thành rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sau khi các nhà chức trách Trung Quốc đe dọa người thân của ông đang sống ở tỉnh Sơn Đông. Trong khi đó, trả lời tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Đại sứ Mỹ Gary Locke nói rằng, Trần Quang Thành đã rời Đại sứ quán sau 2 lần trò chuyện điện thoại với vợ.
Tại phiên khai mạc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không đề cập cụ thể đến vụ việc Trần Quang Thành. Nhưng bà nói với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chủ trì cuộc đối thoại, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, rằng cường quốc châu Á này không thể từ chối nguyện vọng của công dân nước mình. Tuy nhiên, trong phát biểu khai mạc, ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tôn trọng mối quan tâm của mỗi bên, đồng thời cảnh báo bất kỳ sự tổn hại nào trong quan hệ giữa 2 nước cũng sẽ gây những nguy cơ cho thế giới. Phía Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ phải xin lỗi vì can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước này qua vụ Trần Quang Thành. Tuy nhiên, đến chiều tối 3-5, vẫn chưa có lời xin lỗi từ phía Washington.
Theo Reuters, Mỹ hy vọng một thỏa thuận với Trung Quốc trong vấn đề Trần Quang Thành sẽ tháo gỡ khủng hoảng ngoại giao bởi thực tế, cả hai nước đều không muốn rơi vào tình thế khó xử khi ngồi vào bàn đàm phán. Hai quan chức Mỹ là Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đều hiện diện ở Bắc Kinh để thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về thương mại cũng như các vấn đề “nóng” khác như CHDCND Triều Tiên, Iran, Syria. Các quan chức Mỹ cho hay, theo thỏa thuận dự kiến giữa Washington và Bắc Kinh, ông Trần Quang Thành cùng gia đình sẽ được di chuyển nơi ở trong phạm vi đất nước Trung Quốc, đồng thời được tiếp tục công việc học tập. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không bình luận gì về vụ ông Trần Quang Thành, nhưng chỉ nhấn mạnh rằng 2 nước cần có niềm tin và tôn trọng lẫn nhau.
PHÚC NGUYÊN