.

Máy bay chở tân Tổng thống Pháp bị sét đánh

.

(ĐNĐT) - Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 15-5, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bay tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chẳng may, máy bay chở ông Hollande đã bị sét đánh, buộc ông phải quay lại Paris và đáp một chiếc máy khác đi Berlin. Rất may không có ai trên máy bay bị thương.

a
Tân Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 15-5. Ảnh: Getty

Trước đó, trong buổi lễ nhậm chức, ông Hollande kêu gọi một “sự cam kết” với biện pháp cắt giảm mà Đức làm chủ xướng, đồng thời nhấn mạnh đến từ “tăng trưởng”.

“Nhiệm vụ của tôi là đưa nước Pháp trở lại với sự công bằng, mở ra một đường hướng mới ở châu Âu, đóng góp cho hòa bình thế giới và bảo vệ hành tinh này”, ông Hollande nói với các phóng viên tại Paris.

Tân Tổng thống Pháp cho rằng, ông nhận thức đầy đủ về những thách thức mà nước Pháp đang đối mặt. Theo ông, đó là những thách thức: “Nợ nầng chồng chất, tăng trưởng yếu kém, giảm sút cạnh tranh và một châu Âu đang vật lộn để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng”.

Đức và Pháp cùng cứu Hy Lạp

Tại thủ đô Berlin của Đức, trong cuộc họp báo chung sau một giờ hội đàm với với Thủ tướng Angela Merkel, tân Tổng thống Hollande cho biết, điều ông mong ước là tăng trưởng sẽ không là một giai đoạn trống rỗng, mà có điều gì đó thực sự đang diễn ra.

Theo ông Hollande, nếu không có tăng trưởng thì không thể làm được điều mình muốn, không thể đạt được các mục tiêu, không thể cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Vì vậy, ông cho rằng, giải pháp tốt nhất là “đặt mọi thứ lên bàn họp vào ngày 23-5”.

Về phía mình, bà Merkel cũng thừa nhận "sẽ xảy ra những khác biệt, đồng thời cũng có nhiều điều có thể thống nhất được". Bà nhắc lại việc máy bay của ông Hollande bị sét đánh “có thể là điềm tốt, một dấu hiệu cho sự hợp tác”.

Bà Merkel cho biết, hiện tại Đức sẽ cùng Pháp “nghiên cứu đến khả năng bổ sung các biện pháp tăng trưởng cho Hy Lạp”.

“Chúng tôi mong có Hy Lạp trong khu vực euro và chúng tôi biết rằng, đa số người dân Hy Lạp đồng ý với chúng tôi”, bà Merkel nói.

Là hai nền kinh tế lớn trong khu vực euro, hai nước đóng góp lớn nhất cho gói giải cứu của EU, Đức và Pháp là những nước đưa ra những quyết định then chốt đối với chiến lược nhằm kéo châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện thời.

Quang Hiển (theo BBC, CNN)

;
.
.
.
.
.