.

Mỹ tăng sức mạnh Hải quân ở châu Á

.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, việc xây dựng sức mạnh Hải quân Mỹ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương là dự án trọng tâm của thế hệ quan chức Hải quân mới.

Tàu Hải quân Philippines chặn một tàu cá nước ngoài và yêu cầu rời bãi đá Scarborough.                                                                                                                Ảnh: AFP
Tàu Hải quân Philippines chặn một tàu cá nước ngoài và yêu cầu rời bãi đá Scarborough. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã kêu gọi tăng cường sự hiện diện Hải quân của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra trước thềm chuyến công du châu Á để tham dự Hội nghị An ninh tại Singapore vào đầu tháng 6 tới.

Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Panetta phát biểu tại lễ tốt nghiệp của 1.099 học viên ở Học viện Hải quân Annapolis, bang Maryland, rằng tương lai của Mỹ phụ thuộc vào việc bảo đảm an ninh trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Mỹ là quốc gia hàng hải và chúng ta đang trở lại cội nguồn hàng hải”, ông Panetta nói. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, Washington nên đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ với các nước như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Ấn Độ. Ông cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng mà thế hệ các học viên Hải quân Annapolis hôm nay phải đối mặt là việc duy trì và tăng cường sức mạnh của Mỹ trên khắp vùng biển châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Panetta cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với Trung Quốc khi lực lượng của Bắc Kinh đang phát triển và hiện đại hóa, để 2 quốc gia chia sẻ những gánh nặng an ninh, góp phần thúc đẩy hòa bình tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên khắp thế giới. Song, quân đội Mỹ cũng sẽ không mất cảnh giác và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thách thức nào. Ông dự kiến đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay.

Theo AFP, những tuyên bố trên thể hiện chiến lược quân sự của Mỹ trong việc chuyển dịch trọng tâm sang châu Á do quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông. Việc thay đổi cán cân quân sự được bắt đầu sau khi Tổng thống Barack Obama quyết định kết thúc sự hiện diện quân đội của Mỹ ở Iraq và giảm dần quân ở Afghanistan. Trong chuyến thăm Úc vào tháng 11-2011, ông đã tuyên bố khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính sách an ninh Mỹ. Đến Singapore dự Hội nghị An ninh châu Á lần này, ngoài Bộ trưởng Panetta, phái đoàn Mỹ còn có Đô đốc Samuel Locklear - Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey, Thượng nghị sĩ John McCain... Theo giới quan sát, sự hiện diện của các quan chức Mỹ tại Singapore càng minh chứng mối quan tâm của Washington đối với vấn đề an ninh châu Á và cường quốc hàng đầu thế giới muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Lần đầu tiên ông Panetta sẽ tham dự Hội nghị An ninh châu Á từ ngày 1 đến ngày 3-6 tới trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Hội nghị này thường được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London (Anh) tổ chức. Sau 3 ngày ở Singapore, ông Panetta sẽ đến thăm Việt Nam và Ấn Độ.

Đối thoại Shangri-La được cho là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhất là trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham). Tuy Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cam kết kiềm chế, không để căng thẳng leo thang nhưng giải pháp hòa bình cụ thể vẫn chưa được nhắc tới. Không khí trước thềm Đối thoại Shangri-La càng được hâm nóng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đã vượt quá sự cho phép của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi quan ngại về sự can dự của Washington khi không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Trong lúc đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 vừa kết thúc ở Campuchia đã đưa ra tuyên bố chung tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng làm việc để tiến tới thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC), nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.