.

NATO: Lá chắn tên lửa đã hoạt động tại châu Âu

.

(ĐNĐT) - Tại cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 19 và 20-5 của NATO tại Chicago, Tham mưu trưởng NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết tổ chức quân sự này đã có một hệ thống lá chắn tên lửa tạm thời tại châu Âu, một động thái có thể gây căng thẳng với Nga, quốc gia phản đối lá chắn tên lửa này.

Các tàu chiến có trang bị hệ thống đánh chặn đã hoạt động tại Địa Trung Hải để bảo vệ các nước Châu Âu của NATO.  Ảnh: Getty
Các tàu chiến có trang bị hệ thống đánh chặn đã hoạt động tại Địa Trung Hải để bảo vệ các nước châu Âu của NATO. Ảnh: Getty

Tướng Anders Fogh Rasmussen cho biết: “Đây là bước đầu tiên tiến tới mục tiêu lâu dài để bao phủ và bảo vệ toàn bộ cư dân, lãnh thổ và các lực lượng châu Âu của NATO".

Theo đó, hệ thống tạm thời sẽ gồm các tên lửa đánh chặn đặt trên 4 tàu hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải và một dàn radar phòng thủ cũng đã hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Rasmussen cho biết.

Đại sứ Mỹ tại NATO, Ivo Daalder khẳng định rằng, các tàu chiến đã ở Địa Trung Hải và “có khả năng hoạt động dưới sự chỉ huy của NATO khi cần thiết trong một cuộc khủng hoảng”.

Theo ông Rasmussen, hệ thống tạm thời sẽ nối kết các hệ thống tên lửa phòng thủ, hệ thống vệ tinh, tàu chiến, radar và các máy bay đánh chặn của đồng minh lại với nhau dưới sự chỉ hủy của NATO từ căn cứ Mỹ ở Ramstein, Đức. Hệ thống lá chắn tên lửa phòng thủ đầy đủ sẽ hoạt động vào năm 2020.

Cũng trong ngày 20-5, các lãnh đạo NATO cũng đã ký một thỏa thuận tiếp nhận các máy bay không người lái không trang bị vũ khí như là một phần của “phòng thủ thông minh”. Hơn một chục nước sẽ hỗ trợ việc mua các máy bay không người lái.

NATO đã yêu cầu Nga tham gia vào hệ thống lá chắn phòng thủ, tuy nhiên các cuộc đàm phán giữa hai bên đã rơi vào bế tắc vì không thống nhất trong việc ký thành luật hiệp ước đảm bảo rằng lá chắn sẽ không được sự dụng để ngăn chặn các hệ thống riêng của Moscow.

Chính phủ của Tổng thống Obama và đồng minh châu Âu đã cố làm dịu mối lo ngại của Nga với hệ thống lá chắn này bằng cách khẳng định rằng, hệ thống chỉ nhằm vào việc đối phó với các mối đe dọa từ Trung Đông mà từ đó, Nga cũng cần được bảo vệ.

Ông Rasmussen nói: “Chúng tôi đã mời Nga hợp tác về hệ thống tên lửa và lời mời này vẫn để ngỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Nga và tôi hy vọng sẽ có một giai đoạn chắc chắn để Nga nhận ra rằng, việc hợp tác về lá chắn tên lửa là lợi ích chung của chúng tôi”.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Dmitry Medevdev đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước START về cắt giảm vũ khí hạt nhân và huy động tên lửa đạn đạo tại vùng Kaliningrad trên biên giới châu Âu của mình, nếu NATO tiến hành triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa.

Căng thẳng hai bên gia tăng vào tháng 12 năm ngoái khi đại sứ Nga tại NATO đề xuất rằng, Moscow sẽ đóng các tuyến đường trung chuyển vốn là tuyến đưa nguồn cung cấp viện trợ cho binh sĩ NATO tại Afghanistan.

Căng thẳng gia tăng hơn nữa, khi vào đầu tháng này, tại phiên bế mạc hội nghị phòng thủ quốc tế tại Moscow rằng, một tướng Nga đã nêu ra khả năng đánh phủ đầu đối với các bãi phóng tên lửa thuộc lá chắn phòng thủ nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận.

Quang Hiển

;
.
.
.
.
.