.

“Những ngày khó khăn” ở Afghanistan

.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Chicago, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo về “những ngày khó khăn phía trước” khi rút quân khỏi Afghanistan.

Cảnh sát ngăn chặn dòng người biểu tình ở Chicago nhằm phản đối Hội nghị NATO.                                                                                                                                  Ảnh: AP
Cảnh sát ngăn chặn dòng người biểu tình ở Chicago nhằm phản đối Hội nghị NATO. Ảnh: AP

Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama cùng các đồng minh NATO nhấn mạnh đến việc rút 130.000 binh sĩ vào cuối năm 2014, kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 11 năm ở Afghanistan nhưng ông đề cập đến những thách thức mới và kêu gọi đoàn kết để hoàn thành sứ mệnh. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng tái khẳng định với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai rằng, Kabul sẽ không bị bỏ rơi. Trong khi đó, ông Karzai lại cam kết quốc gia Nam Á này sẽ không trở thành gánh nặng cho cộng đồng quốc tế và kêu gọi hoàn tất việc chuyển giao an ninh. Theo giới quan sát, Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này được kỳ vọng sẽ “hòa giải” 2 quan điểm trên.

Ngày 21-5, Hội nghị Thượng đỉnh NATO bước vào ngày làm việc thứ hai với nội dung chủ yếu là thảo luận về viện trợ để nuôi quân Afghanistan khi lực lượng nước này dự kiến tăng lên khoảng 350.000 binh sĩ vào năm 2015. Một số quốc gia như Mỹ, Úc, Anh và Đức đã cam kết tiếp tục đóng góp vào quỹ quốc tế để hỗ trợ cho Afghanistan. Mặc dù số tiền cần có mỗi năm ước tính là 4,1 tỷ USD, nhưng Washington chỉ mong có được 1,3 tỷ USD từ “hầu bao” của các đồng minh, trong lúc nhiều nước châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng tài chính và phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Hãng Reuters dẫn lời Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, nhiều đồng minh đã công bố mức đóng góp cụ thể, chẳng hạn Anh góp hằng năm 100 triệu USD, Ý 120 triệu USD, Úc 100 triệu USD, Thổ Nhĩ Kỳ 20 triệu USD…

Hãng Reuters cho rằng, thách thức đối với “những ngày khó khăn phía trước” ở Afghanistan mà Tổng thống Obama nói đến chính là vấn đề an ninh để tạo ra con đường hòa bình, ổn định và phát triển cho Kabul. Bởi lẽ, việc NATO chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho lực lượng Afghanistan vào cuối năm 2014 sẽ tạo ra những nguy cơ bất ổn mặc dù ông Karzai khẳng định Chính phủ Kabul hoàn toàn nhận biết được trách nhiệm của mình.

Theo kế hoạch của ông Obama, kể từ khi bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát an ninh từ giữa năm 2013, binh sĩ NATO sẽ duy trì vai trò huấn luyện và cố vấn cho đến khi rút hết quân vào cuối năm 2014. Đang tìm kiếm lá phiếu để ở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, Tổng thống Obama nỗ lực chứng minh với cử tri về việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, xóa bỏ quan điểm rằng các đồng minh sẽ bỏ Mỹ ở lại chiến đấu một mình tại chiến trường Nam Á này. Trong khi đó, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đến với Hội nghị NATO để thực hiện cam kết rút binh sĩ về nước vào cuối năm nay, tức trước 2 năm so với kế hoạch. Song, Washington vẫn kỳ vọng Paris sẽ mở “hầu bao” khoảng 200 triệu euro/năm (256 triệu USD) cho lực lượng Afghanistan.

Trong lúc Hội nghị NATO diễn ra, khoảng từ 3.000 - 5.000  người biểu tình đã tràn xuống đường phố Chicago và yêu cầu chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan vốn làm hơn 3.000 binh sĩ của lực lượng an ninh quốc tế thiệt mạng.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari được Mỹ mời đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO với hy vọng sẽ tháo gỡ được căng thẳng trong quan hệ song phương sau các cuộc không kích của Washington làm một số binh sĩ Islamabad thiệt mạng. Tuy nhiên, theo Hãng ANI, đáp lại sự kỳ vọng từ Tổng thống Barack Obama, ông Zardari đặt điều kiện rằng sẽ nối lại tuyến cung cấp nhiên liệu cho quân đội nước ngoài ở Afghanistan nếu có “giải pháp vĩnh viễn” để kết thúc các cuộc không kích của Mỹ. Nhà lãnh đạo Pakistan muốn có lời xin lỗi từ phía Mỹ về cái chết của 24 binh sĩ trong cuộc tấn công của NATO dọc theo biên giới Afghanistan vào tháng 11 năm ngoái. Sau vụ việc này, Pakistan đã đóng cửa tuyến đường cung cấp các phương tiện hỗ trợ binh sĩ nước ngoài ở Afghanistan.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.