.

Nỗ lực cuối cùng của Hy Lạp

.

Bế tắc trong việc hình thành liên minh Chính phủ mới đang đặt Hy Lạp vào thế khó trong lúc khủng hoảng chính trị sau bầu cử vào ngày 6-5.

Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Syriza (trái) gặp gỡ ông Fotis Kouvelis, lãnh đạo  Đảng Dân chủ cánh tả.                                        				        Ảnh: AP
Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Syriza (trái) gặp gỡ ông Fotis Kouvelis, lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả.     Ảnh: AP

Ngày 10-5, nhà lãnh đạo Đảng PASOK, cựu Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos gặp gỡ Tổng thống Karolos Papoulias, tiếp tục nỗ lực để thành lập một Chính phủ liên minh sau khi các cuộc đàm phán lần thứ hai giữa các lãnh đạo Đảng Dân chủ mới trung hữu và Đảng Syriza cánh tả thất bại. Nỗ lực của ông Venizelos trong cuộc đàm phán lần thứ ba được xem là cứu cánh cuối cùng cho Hy Lạp để không phải bầu cử lại.

Không đảng nào giành đa số ghế trong Quốc hội đủ để đơn phương thành lập Chính phủ. Trong đàm phán lần thứ nhất để tạo thành liên minh nội các, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras với các lãnh đạo đảng khác vào ngày 7-5 không phá vỡ bế tắc; rồi đến lượt ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Syriza, thất bại trong đàm phán lần hai, sứ mệnh thành lập Chính phủ lúc này được chuyển giao cho ông Venizelos. Đảm đương trọng trách mới nhưng chính ông Venizelos cũng thừa nhận rằng, không thể có giải pháp trong lúc này. Hơn nữa, theo AP, Đảng PASOK không được sự tín nhiệm cao khi các “kiến trúc sư” của chương trình “thắt lưng buộc bụng” bị bủa vây trong các cáo buộc tham nhũng. PASOK vốn nắm quyền ở Hy Lạp nhiều thập niên qua, nhưng trong cuộc bầu cử vào ngày 6-5, đảng này chỉ về thứ ba với 13,18%, chiếm 41/300 ghế ở Quốc hội.

Theo giới quan sát, cuộc bầu cử ngày 6-5 đã bộc lộ những chia rẽ xung quanh kế hoạch đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công. “Cơn bão” tài chính cũng đã khơi mào cho những bất ổn xã hội lớn ở Hy Lạp, dẫn đến sự mất niềm tin của các đảng đối với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, và nay đẩy Athens vào khủng hoảng chính trị.

Trong khi đó, Hãng AP dẫn lời ông Tsipras nói rằng, các cuộc đàm phán với các lãnh đạo đảng cánh tả thất bại do ông bác bỏ giải pháp tiết kiệm khắc khổ theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu bác bỏ thỏa thuận với EU và IMF, Athens sẽ không thể tiếp tục các khoản vay quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này đối mặt với sự sụp đổ tài chính và có thể rời khỏi khối các nước sử dụng đồng euro. Đáng nói là tiến hành bầu cử mới sẽ cần thời gian từ 3-4 tuần nữa, trong khi Hy Lạp sẽ cạn tiền vào tháng 6 tới nếu không thúc đẩy các giải pháp để EU và IMF rót thêm tiền. Athens cam kết thông qua các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” mới trị giá 14,5 tỷ euro (18,9 tỷ USD) vào tháng 6 tới, đồng thời tiến hành những cải cách khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh bà muốn giữ Hy Lạp ở lại trong khối euro. Cả ông Samaras, ông Venizelos lẫn ông Fotis Kouvelis - lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả nhỏ hơn (chiếm 19/300 ghế ở Quốc hội) đều khẳng định sẽ làm mọi việc để Hy Lạp vẫn tồn tại trong khối đồng tiền chung của châu Âu. Song, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Ewald Nowotny cảnh báo, Hy Lạp có thể không được trợ giúp nếu không tự cứu chính mình. Hầu hết người dân Hy Lạp đều phản đối gói giải cứu trị giá 130 tỷ euro được thông qua hồi tháng 2 vừa qua, nhưng muốn Athens ở lại trong khối euro.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.