(ĐNĐT) - Philippines vừa lên tiếng kêu gọi Mỹ cung cấp cho quân đội nước này các tàu tuần tra, máy bay cùng với hệ thống radar, giữa lúc tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc đang gia tăng.
Tàu chiến lớn nhất của Philippines, Gregoria del Pilar neo tại một bến cảng ở Manila vào ngày 14-12-2011 (Ảnh: AFP) |
Trong cuộc gặp gỡ song phương giữa bộ quốc phòng và ngoại giao hai nước tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin, Albert del Rosario cho rằng, các trang bị đó sẽ giúp Philippines có được một “sự phòng bị tối thiểu đáng tin cậy”.
“Chúng tôi cần phải biết những gì đang diễn ra chung quanh. Đó là sự cảnh giác về chủ quyền trên biển. Và chúng tôi cũng cần phải ngăn chặn bất kỳ cuộc đột nhập bất ngờ vào vùng biển, nơi chúng tôi có chủ quyền”, ông Rosario nói khi đề cập tới tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo ông Rosairio, Philippines đã gửi tới Mỹ một danh sách các trang thiết bị như tàu tuần tra, máy bay tuần tra, các hệ thống radar, trạm quan sát bờ biển mà Mỹ có thể giúp họ. Manila cũng đang mong được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế khác khi cần đến.
Trong bài phát biểu của mình tại cuộc gặp gỡ trên, ông Rosario cho rằng, Philippines đang tăng cường hợp tác với Nhật, Australia, Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực về các lĩnh vực khác như an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai.
Trong khi chờ đợi được hỗ trợ các thiết bị nói trên, Philippines và các đồng minh sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự “theo cách tốt hơn, ở nhiều vị trí nữa và thường xuyên hơn”, ông Rosario nhấn mạnh.
Mỹ cần một đồng minh mạnh hơn trong khu vực, nước sẽ có thể đảm trách công việc lớn hơn trong việc ổn định an ninh của khu vực. Vì thế, việc đầu tư vào khả năng phòng thủ và quân sự của Philippines là lợi ích chiến lược của Mỹ. Ngoài ra, hiện nay, đối với Philippines, căng thẳng ở vùng biển phía tây là thách thức nhất, ông Rosario nói.
Philippines và Trung Quốc hiện đang căng thẳng với nhau qua tranh chấp bãi ngầm Scarborough, nơi Philippines tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế trong vùng lãnh thổ 200 hải lý theo luật pháp quốc tế.
Quang Hiển (theo CNA)