Mỹ và Philippines đang thúc đẩy quan hệ chiến lược bằng việc Tổng thống Barack Obama sẽ đón tiếp người đồng cấp đến từ châu Á, ông Benigno Aquino, vào ngày 8-6 tới. Tuy cuộc gặp chưa diễn ra, nhưng với những căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc xung quanh tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough trong tuần qua, việc ông Aquino dự kiến đến Nhà Trắng là thông điệp mạnh mẽ để Bắc Kinh thấy Manila luôn có đồng minh Washington hậu thuẫn.
Tổng thống Benigno Aquino sẽ đến Mỹ vào tháng 6 tới. Ảnh: AFP |
Mặc dù tuyên bố của Philippines cho rằng, cuộc gặp của ông Aquino với Tổng thống Obama không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông và đây hoàn toàn là kế hoạch được định sẵn, nhưng nếu tiếp tục nhận được cái “bắt tay” từ phía Washington, Manila sẽ khẳng định tiếng nói của mình khi giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, không phải ngay vào thời điểm này, Philippines mới cần đến đồng minh Mỹ. Hai nước vốn có hiệp ước phòng thủ chung tồn tại trong nhiều thập niên qua. Ngoài ra, cả hai đều liên tiếp tiến hành hàng loạt cuộc tập trận chung, vừa thúc đẩy sự hợp tác quân sự song phương, vừa là động thái răn đe “người khổng lồ châu Á” - Trung Quốc. Mỹ lại đang giúp Philippines nâng cấp quân đội, đặc biệt là sự kiện chuyển giao tàu chiến Hamilton.
Tổng thống Aquino đã bổ nhiệm đại sứ mới ở Trung Quốc. Người nhận trọng trách này là nhà ngoại giao kỳ cựu Sonia Brady, 70 tuổi, từng là Bí thư thứ ba và phó cố vấn, rồi Bí thư thứ hai kiêm cố vấn tại Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh từ năm 1976-1978. Bà Brady cũng từng là đại sứ tại Thái Lan, Myanmar… Được đánh giá là nhà ngoại giao tài ba, hội tụ đủ các yếu tố cần thiết theo yêu cầu Chính phủ Manila khi hiện diện ở Bắc Kinh, bà Brady sẽ đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.
Trong tuần qua, các tàu phi quân sự của cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có mặt quanh bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230km về phía Tây. Thực tế, sự hiện diện của các tàu chỉ làm căng thẳng thêm gia tăng, chứ không gỡ bỏ được thế giằng co vốn kéo dài gần 2 tháng nay. Bởi lẽ, không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ, mà chỉ có những tuyên bố, chỉ trích. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng, những đòi hỏi quá mức của Trung Quốc đã vượt khuôn khổ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), vốn được ký kết vào năm 1982 và chính thức có hiệu lực từ năm 1994.
Đến lúc này, tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông không chỉ bị các nước liên quan phản đối, mà còn nhận được cái lắc đầu ở Thượng viện Mỹ. Washington đã lên tiếng rằng sẽ ủng hộ các nước “đang bị đe dọa” bởi những tuyên bố của Bắc Kinh. Các nghị sĩ Mỹ muốn thúc đẩy UNCLOS bởi thỏa thuận này sẽ giúp Washington trong tiến trình tái cân bằng những lợi ích an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó tạo thuận lợi để tàu thuyền của cường quốc hàng đầu thế giới đi lại. Theo các nhà quan sát, nếu không vấp phải phản ứng của một số nghị sĩ bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa, UNCLOS sẽ sớm được Thượng viện Mỹ thông qua.
VĨNH AN