.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Cảnh báo từ Trung Quốc

.

Châu Á đang đối mặt với tình hình bất ổn là cảnh báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với Nhật Bản và Hàn Quốc tại thủ đô Bắc Kinh ngày 13-5.

Từ trái sang: Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thống nhất tiến hành đối thoại khu vực mậu dịch tự do trong năm nay.                                                                                                                     Ảnh: THX
Từ trái sang: Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thống nhất tiến hành đối thoại khu vực mậu dịch tự do trong năm nay. Ảnh: THX

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, các khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, không chắc chắn và rất khó dự đoán. Cuộc gặp giữa các lãnh đạo của 3 cường quốc vùng Đông Bắc Á là dịp để trao đổi những mối quan tâm chung và thúc đẩy hợp tác mà theo người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, điều quan trọng trong lúc này là giữ vững hòa bình, phát triển khu vực.

Với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, ưu tiên hàng đầu của ông khi hiện diện ở Bắc Kinh là cả ba nước thúc đẩy nỗ lực để ngăn chặn cuộc thử hạt nhân lần thứ ba của CHDCND Triều Tiên. Quan ngại về đợt thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh thất bại hồi tháng trước làm khu vực Đông Bắc Á càng trở nên nóng bỏng, căng thẳng. Theo Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đều đồng ý rằng, bất kỳ sự khiêu khích nào hơn nữa từ CHDCND Triều Tiên sẽ không được chấp nhận. Ông Noda cũng thúc giục cả ba quốc gia cần hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn các động thái khiêu khích. Trong khi đó, chủ trì cuộc gặp với 2 người láng giềng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đến sứ mệnh kiểm soát căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đưa các nước liên quan trở lại bàn đàm phán. Trung Quốc không những là đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng mà còn giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Vì vậy, trong vấn đề CHDCND Triều Tiên, Mỹ và nhiều nước liên quan khác hoặc chờ phản ứng của Bắc Kinh, hoặc vừa có biện pháp chống Bình Nhưỡng, vừa dõi theo động thái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh ngày 13-5 là cơ hội thúc đẩy hợp tác 3 bên giữa lúc có rất nhiều vấn đề ở châu Á cần được tháo gỡ, trong đó có sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp và cần thiết phải có thỏa thuận khu vực mậu dịch tự do (FTA)… Cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 19,6% GDP toàn cầu và 18,5% lượng hàng xuất khẩu. Song, 3 nước đều bị chia rẽ bởi sự mất niềm tin về chính trị cùng các rào cản thương mại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc đạt được FTA có thể nâng thêm mức GDP của Trung Quốc 1,9%, Nhật Bản 0,5% và Hàn Quốc 3,1%. Tokyo còn nói rằng sẽ tham gia đối thoại về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ thúc đẩy, nhưng Seoul và Bắc Kinh thì đứng ngoài. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh lo lắng rằng, việc Mỹ muốn tăng cường hiện diện ở châu Á và ảnh hưởng của Washington sẽ lấn át sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực.

Với cảnh báo mới của Thủ tướng Trung Quốc, sự hợp tác của 3 quốc gia trên để đối phó với khủng hoảng kinh tế và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chưa phải là tâm điểm hiện nay ở châu Á. Vấn đề thu hút dư luận là tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước châu Á trên Biển Đông, nổi bật là với Philippines. Chính phủ Bắc Kinh đã bác bỏ những thông tin của báo chí nước này về việc một số đơn vị quân đội đang chuẩn bị cho cuộc chiến ở Biển Đông. Song, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines vẫn chưa có hồi kết.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.