.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Chuyển động đúng hướng

.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, châu Âu cần có những bước đi của riêng mình để giải quyết khủng hoảng tài chính. Song, ông bày tỏ tin tưởng, các nước châu Âu đang “chuyển động đúng hướng”.

Các nhà lãnh đạo G8 tại Trại David.                                                                          Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo G8 tại Trại David.                                                                         Ảnh: Reuters

Vấn đề khủng hoảng nợ công ở châu Âu là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) ở Trại David, bang Maryland (Mỹ) vào cuối tuần qua. Với sự hiện diện của lãnh đạo Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật Bản, Canada, Nga và Mỹ (5/8 nước là các quốc gia châu Âu), chương trình nghị sự của G8 không thể phớt lờ những mối quan ngại lớn của châu Âu trong lúc này, nhất là trước cảnh báo nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ tạo ra khủng hoảng mới.

“Chuyển động đúng hướng” theo cách nói của Tổng thống Obama là việc các nước châu Âu đều khẳng định tôn trọng các cam kết chung để thúc đẩy ổn định và phục hồi kinh tế. “Chuyển động đúng hướng” cũng có nghĩa là Hy Lạp cần ở lại khối euro, để tránh những tác động tiêu cực đến nước khác và tránh hiệu ứng domino. Phát biểu của ông chủ Nhà Trắng tràn đầy niềm lạc quan. Đồng thời, ông cho rằng, các nước châu Âu phải chú trọng vào những ưu tiên hàng đầu (bao gồm việc làm, tăng trưởng) và Hy Lạp có thể vượt qua các thách thức. Tổng thống Obama từng mô tả khủng hoảng ở châu Âu chẳng khác là “cơn gió ngược” có thể đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, thậm chí đe dọa cả cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 11 tới. Rồi ông dùng những từ “nguy cơ cho tăng trưởng” khi nhấn mạnh việc châu Âu phải tạo ra những bước ngoặt cho chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Vì vậy, có thể thấy rằng, Mỹ cũng hồi hộp, bồn chồn không kém gì các nước châu Âu khi việc Hy Lạp ở lại khối đồng euro vẫn là niềm hy vọng mong manh.

Tuyên bố chung tại Trại David đã khẳng định sự đồng thuận của G8: Cam kết thực hiện tất cả những bước đi cần thiết để tăng cường và phục hồi nền kinh tế, chống lại các áp lực tài chính. Tuy nhiên, tuyên bố chung không hẳn xóa được những bất đồng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande - những người cầm chịch trong việc giải quyết khủng hoảng của châu Âu. Bà Merkel chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, trong khi ông Hollande muốn theo đuổi chính sách tăng trưởng hơn là dè xẻn. Tuyên bố chung (với sự hiện diện của lãnh đạo 5 nước châu Âu) cũng không đại diện cho tiếng nói của người dân châu lục già cỗi này. Minh chứng là trong cuộc bầu cử vừa qua ở Pháp và bang Mecklenburg-Western của Đức, những người chủ trương và cổ xúy việc chi tiêu khắc khổ đã nếm trải thất bại.

Vấn đề mấu chốt trong lúc này vẫn là Hy Lạp. Mọi sự chú ý của châu Âu đang đổ dồn về Athens khi nước này sẽ tiến hành bầu cử lại vào ngày 17-6 tới. Các nhà đầu tư quan ngại rằng, nếu cử tri vẫn tức giận và quay lưng với các chính đảng thì sẽ không những khiến khủng hoảng càng thêm sâu sắc mà còn đẩy Hy Lạp ra khỏi khối euro. Hai cuộc thăm dò vào cuối tuần qua đều cho thấy cả hai đảng cánh tả Syriza chủ trương chống “thắt lưng buộc bụng” lẫn Dân chủ mới trung hữu đều có khoảng 25% số phiếu.

Cử tri Hy Lạp đang bị đẩy vào thế khó bởi họ không có nhiều sự lựa chọn. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu gì thể hiện rõ đảng nào “mắc ít sai lầm nhất” để xứng đáng một mình thành lập Chính phủ và tiếp tục chèo chống với nền kinh tế bên bờ vực thẳm. Hy Lạp cũng cần chuyển động đúng hướng, nếu không thì “cái chết của Athens” không còn là lời cảnh báo nữa mà sẽ trở thành hiện thực.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.