.

Afghanistan tìm sự hỗ trợ của quốc tế

.

Các đại diện từ 29 quốc gia ngày 14-6 đã nhóm họp ở Kabul để tìm giải pháp bảo đảm hòa bình, ổn định cho Afghanistan sau khi lực lượng quân đội nước ngoài rời nơi đây.

Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu tại Afghanistan. Ảnh: AFP
Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu tại Afghanistan. Ảnh: AFP

Chủ trì Hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan, Tổng thống Hamid Karzai mong muốn sự hợp tác của các nước khác để cùng đối phó với các đe dọa và những vấn đề khác. Tương lai của Afghanistan khi Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO dẫn đầu rút quân vào năm 2014 là vấn đề được đặt ra. Chương trình nghị sự còn có các nội dung khác như: chiến lược chống khủng bố và buôn bán ma túy của khu vực, thúc đẩy thương mại và quan hệ kinh tế… Hội nghị chỉ diễn ra trong một ngày nhằm kêu gọi láng giềng và đồng minh ủng hộ Afghanistan khi nước này tự chịu trách nhiệm về an ninh sau gần 11 năm phụ thuộc vào sự hỗ trợ của quốc tế.  

Song, giới quan sát cho rằng, không dễ tìm lời giải cho bài toán Afghanistan vào thời điểm này, bởi hội nghị lần trước tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng không mang lại kết quả khả quan nào. Vì vậy, các quan chức có mặt tại hội nghị ít nhiều quan ngại về tiến trình hòa bình, nhất là khi bạo lực vẫn tiếp diễn; đồng thời Pháp - nước góp quân lớn thứ 5 trong liên minh NATO - tuyên bố rút quân vào cuối năm nay, sớm hơn một năm so với kế hoạch của Paris và sớm hơn 2 năm so với lịch trình của NATO.

Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Karzai rằng, hòa bình ở Afghanistan phụ thuộc vào sự hợp tác của khu vực trong việc phá tan những nơi ẩn náu của mạng lưới chiến binh vốn gây nên bạo lực ở nước Nam Á này. Song, ông cho rằng, Afghanistan có thể kiểm soát hoàn toàn vấn đề an ninh của mình vào năm tới. Nhà lãnh đạo Kabul cho hay, Salahuddin Rabbani - người đứng đầu Hội đồng Hòa bình được Chính phủ bổ nhiệm - sẽ sớm đến Saudi Arabia và Pakistan để tìm kiếm sự hỗ trợ của 2 nước này trong việc đối thoại hòa bình với Taliban. Ông Rabbani là con của cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani vốn bị sát hại vào tháng 9-2011 trong một vụ đánh bom liều chết.

Ông Karzai nhấn mạnh: Đàm phán hòa bình thành công với Taliban là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm sự hài hòa ở khu vực Nam Á. Ông cũng bày tỏ hy vọng Pakistan sẽ hỗ trợ tiến trình hòa bình. Trước đó, Afghanistan chỉ trích gay gắt nước láng giềng Pakistan dung dưỡng các phần tử khủng bố. Mạng lưới Haqqani có căn cứ ở Pakistan bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công hồi tháng 4 vừa qua ở Kabul và vụ đánh bom kép vào ngày 6-6 ở thành phố miền Nam Kandahar. Tuy nhiên, Islamabad khẳng định không ủng hộ các hoạt động của Haqqani - nhóm được cho là đang ẩn náu tại Bắc Waziristan, khu vực biên giới Pakistan. Theo AFP, hiện có khoảng 130.000 binh sĩ NATO chiến đấu cùng với lực lượng Chính phủ Kabul để chống lại Taliban. Trong khi đó, Taliban sẵn sàng đàm phán với Mỹ nhưng lại bác bỏ đối thoại với Chính phủ Afghanistan.

Tổng thống Karzai cũng kêu gọi các nước tham dự hội nghị đầu tư kinh tế ở Afghanistan. Tuy nhiên, Chính phủ Kabul đang vấp phải chỉ trích về tham nhũng tràn lan. Các đồng minh của Kabul cho rằng, tham nhũng làm hủy hoại những nỗ lực của ISAF trong việc chống lại Taliban và giành niềm tin của người dân Afghanistan.

Vòng đàm phán tiếp theo về tương lai Afghanistan sẽ diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 7 tới.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.