.

Châu Âu hướng về bầu cử Hy Lạp

Ngày 17-6, cả châu Âu đều hướng về Hy Lạp khi gần 10 triệu cử tri bước vào cuộc bầu cử lần thứ hai trong vòng 6 tuần qua và được cho là sẽ quyết định tương lai của đất nước này. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đều không muốn Athens rời khối các nước sử dụng đồng euro.

Thăm dò ngay trước bầu cử cho thấy, đảng cánh tả Syriza của ông Alexis Tsipras sẽ chiếm ưu thế cùng với Đảng Dân chủ mới bảo thủ của ông Antonis Samaras. Song, sẽ không có đảng nào đủ phiếu để tự đứng ra thành lập Chính phủ. Và điều này đồng nghĩa với việc phải hình thành liên minh để tránh bầu cử một lần nữa.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 6-5, không có đảng nào có thể đơn phương thành lập Chính phủ, và các cuộc đối thoại liên minh cũng thất bại 10 ngày sau đó. Bế tắc trong bầu cử đã gửi thông điệp sâu sắc đến Đảng Pasok cầm quyền rằng, cử tri Hy Lạp đã mệt mỏi, hết kiên nhẫn với khủng hoảng nợ công khi Athens phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để nhận hàng tỷ euro giải cứu từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Năm 2010, Hy Lạp nhận gói cứu trợ 110 tỷ euro (138 tỷ USD) và năm 2011 nhận gói trị giá 130 tỷ euro.

Các nước sử dụng đồng euro đang quan ngại rằng, việc Hy Lạp rời khỏi khối này không những tạo “hiệu ứng domino” với các thành viên khác mà còn gây khủng hoảng cho nền kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras cho rằng, nếu bác bỏ gói giải cứu của EU và IMF, Hy Lạp sẽ phải trở lại với đồng drachma, thậm chí sẽ chịu những hệ lụy nghiêm trọng hơn về kinh tế.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.