.

G20 “hạ nhiệt” vì bầu cử ở Hy Lạp

.

Việc giải cứu châu Âu đang rơi vào khủng hoảng nợ công là nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Mexico trong 2 ngày (18 và 19-6). Nhưng kết quả bầu cử ở Hy Lạp đã tạm xoa dịu những quan ngại.
 

Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras chia sẻ niềm vui chiến thắng với những người ủng hộ.                                                                                       Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras chia sẻ niềm vui chiến thắng với những người ủng hộ. Ảnh: Reuters

Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong sự hồi hộp, lo lắng chờ đợi kết quả bầu cử Quốc hội ở Hy Lạp. Bởi lẽ, nếu bầu cử thất bại, khủng hoảng chính trị đẩy Athens ra khỏi khối các nước sử dụng đồng euro thì thảm kịch không những sẽ đến với khối này mà còn cả với nền kinh tế toàn cầu. Khi nhóm họp ở khu nghỉ mát Los Cabos của Mexico, các nhà lãnh đạo của những nước công nghiệp và những nền kinh tế đang nổi muốn thúc đẩy khoản cho vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu Hy Lạp và các nước bị ảnh hưởng khủng hoảng nợ công. Song, vẫn chưa rõ Hội nghị G20 có tìm được sự đồng thuận trong việc mở hầu bao để giải cứu châu Âu hay không.

Phát biểu với báo giới tại Mexico, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khẳng định: Bắc Kinh sẽ đóng góp để tạo nên con số 430 tỷ USD mà IMF đang cần. Song, ông Chu Quang Diệu không đề cập cụ thể đến khoản góp của Bắc Kinh. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều và các nước đang phát triển sẽ có động thái tương tự nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Mexico mong muốn khoản đóng góp thêm cho IMF sẽ vượt quá 430 tỷ USD. Tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các nước đang nổi như Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ đều không công bố mức hỗ trợ cho IMF. Song, Reuters dẫn lời một quan chức G20 nói rằng, Trung Quốc sẽ mở hầu bao khoảng 60 tỷ USD; còn Nga, Ấn Độ và Brazil - mỗi nước sẽ góp 10 tỷ USD. Những con số này vẫn chưa thống nhất và còn gây nhiều tranh cãi.  

Riêng với Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn nỗ lực để tìm lối thoát cho khủng hoảng ở châu Âu, bà kỳ vọng sẽ có một kế hoạch hành động thống nhất để củng cố kinh tế toàn cầu trong thời gian trung và dài hạn, nhưng không bao gồm các biện pháp kích thích mới. Bà Merkel chỉ trích Pháp đang mất khả năng cạnh tranh về kinh tế và cản trở những nỗ lực giải quyết khủng hoảng của khối euro. Đức ủng hộ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, trong khi tân Tổng thống Pháp Francois Hollande lại kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng.

Sức ép gia tăng với các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị về việc họ phải chứng tỏ có thể ngăn chặn khủng hoảng ở Hy Lạp lan sang những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực như Tây Ban Nha và Ý. Song, kết quả bầu cử ở Hy Lạp với chiến thắng thuộc về Đảng Dân chủ mới của ông Antonis Samaras đã tạm xoa dịu những quan ngại. Theo Reuters, Đảng Dân chủ mới giành được 29,7% số phiếu ủng hộ và có 129 ghế trong Quốc hội. Đảng Syriza cánh tả về nhì với 26,9% và có 71 ghế. Đảng Pasok cầm quyền giành được 12,3% và có 33 ghế. Đảng Bình minh vàng cánh tả đạt 6,9% số phiếu và có 18 ghế.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Samaras nói rằng, cử tri Hy Lạp đã lựa chọn việc đất nước này ở lại khối euro. Tại Mexico, các nhà lãnh đạo thế giới cũng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và thúc giục Athens nhanh chóng thành lập Chính phủ. Khối eurozone cho rằng, thực hiện cải cách là sự bảo đảm tốt nhất để quốc gia châu Âu này vượt qua những thách thức về kinh tế và xã hội. Mỹ nhấn mạnh: Mối quan tâm trong lúc này là việc Hy Lạp ở lại khối euro.

Đảng Dân chủ mới có thể hình thành liên minh Chính phủ với Đảng Pasok. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các cuộc đối thoại liên minh sẽ không dễ dàng. Vì vậy, sự “hạ nhiệt” của Hội nghị G20 cũng chỉ là tạm thời.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.