.

G20 thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

.

Các nhà lãnh đạo G20 thống nhất sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, trong đó điều quan trọng nhất là có những giải pháp để vượt qua khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất sẽ có những hành động cần thiết.                          Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất sẽ có những hành động cần thiết. Ảnh: Reuters

Kết quả bầu cử ở Hy Lạp với chiến thắng thuộc về phe ủng hộ gói giải cứu là tin vui cho nhóm các nước công nghiệp phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới khi nhóm họp tại khu nghỉ mát Los Cabos nổi tiếng của Mexico. Tuy nhiên, kết quả này lại không vực dậy được thị trường toàn cầu và khiến những hy vọng chỉ mới được nhen nhóm lên thì vụt tắt. Chứng khoán Mỹ vẫn lên xuống liên tục, lãi suất trái phiếu Chính phủ Ý và Tây Ban Nha đồng loạt tăng cao. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng hơn ngưỡng 7%...

Hãng AFP cho biết, các nhà lãnh đạo G20 thống nhất kêu gọi châu Âu tiến hành tất cả các chính sách cần thiết để ngăn chặn cơn khủng hoảng kéo dài 2 năm nay. Bất chấp những cảnh báo của lãnh đạo các tổ chức quốc tế rằng, khủng hoảng ở châu Âu không những là nguy cơ lớn nhất với nền kinh tế thế giới mà còn có khả năng lan rộng, G20 và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn muốn xây dựng lòng tin bằng cam kết cùng nhau hành động để thúc đẩy sự phục hồi, giảm căng thẳng của thị trường tài chính. Tuyên bố chung ngày 19-6 khẳng định: “Tất cả các thành viên G20 sẽ thực hiện những hành động cần thiết để đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu và phục hồi niềm tin”.

Có mặt tại Los Cabos, Tổng thống Mỹ Barack Obama dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giải quyết khủng hoảng ở châu Âu. Người đứng đầu Nhà Trắng quan ngại “cơn bão” nợ công ở châu lục già cỗi này sẽ tạo ra những vòng xoáy đối với kinh tế thế giới, đe dọa cả triển vọng tái đắc cử của ông trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Vì vậy, người phát ngôn đã dẫn lời Tổng thống Obama nói rằng, ông ủng hộ các kế hoạch của châu Âu.

Trong lúc đó, với Hy Lạp, IMF cho biết cơ quan cho vay này sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trở lại về chương trình cứu trợ trị giá 130 tỷ euro (165 tỷ USD) cho Athens. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ tại Los Cabos đã kêu gọi cho Athens thêm thời gian để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của Liên minh châu Âu (EU) và IMF.

Tuy nhiên, theo AFP, những bất đồng trong G20 vẫn chưa được tháo gỡ trong lúc các nhà lãnh đạo châu Âu muốn một liên minh thống nhất để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến trách nhiệm tài chính. Bà Merkel cổ súy “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu để cứu các Chính phủ đang chồng chất nợ công. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande vẫn giữ quan điểm chú trọng tăng trưởng. Song, nữ Thủ tướng Đức lại không có ý định từ bỏ lập trường cứng rắn của mình, vốn bị một số chỉ trích rằng chủ trương này sẽ phá hoại tăng trưởng kinh tế. Bà Merkel nói rằng, chi tiết về các kế hoạch giải cứu châu Âu sẽ không được tiết lộ cho đến khi các lãnh đạo EU nhóm họp vào cuối tháng này.

Tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) mới đây đã hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 xuống còn 2,5%; đồng thời cảnh báo tình hình thị trường tài chính biến động và suy giảm tăng trưởng kéo dài quá lâu tại các nước đang phát triển. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng khẳng định: Thách thức không chỉ ở châu Âu mà ở toàn cầu.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tối 18-6 (sáng 19-6, giờ Việt Nam) diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đã đề cập đến vấn đề Syria. Theo đó, cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi ngay lập tức chấm dứt bạo lực và khẳng định người Syria phải được tự do lựa chọn tương lai của mình. Song, giới quan sát cho rằng, không có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Obama và ông Putin tháo gỡ được những khác biệt, bất đồng trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của Tổng thống Putin với Tổng thống Obama kể từ khi ông trở lại Điện Kremlin.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.