Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras trở thành Thủ tướng trong lúc có những đồn đoán về hiệu quả hoạt động của Chính phủ dưới thời ông khi Athens phải chèo chống trong khủng hoảng nợ công.
Ông Antonis Samaras (bìa phải) tuyên thệ nhậm chức tại dinh Tổng thống. Ảnh: AP |
Sau những nỗ lực đàm phán, thậm chí rơi vào bế tắc suốt 2 tháng qua, một liên minh Chính phủ rốt cuộc cũng được hình thành với sự tham gia của Đảng Dân chủ mới trung hữu, Đảng xã hội Pasok và Đảng Dân chủ cánh tả. Trong cuộc bầu cử lần hai vừa qua, Đảng Dân chủ mới của ông Antonis Samaras giành được 129 ghế trong Quốc hội, Pasok có 33 ghế, Đảng Dân chủ cánh tả có 17 ghế. Tân Thủ tướng Antonis Samaras sẽ tiết lộ nội các sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Pasok Evangelos Venizelos và lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả Fotis Kouvelis.
Ông Venizelos vui mừng cho biết: “Hy Lạp có Chính phủ. Đây là thông điệp mà chúng tôi cần chuyển đến các nước khác”. Báo chí Hy Lạp cho rằng, số lượng Bộ trưởng sẽ được cắt giảm với tổng số 28 ghế (bao gồm 16 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng), so với con số 49 ở thời người tiền nhiệm. Chiếc ghế quan trọng - Bộ trưởng Tài chính thuộc về Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Hy Lạp Vassilis Rapanos, nguyên là Giáo sư Kinh tế. Ông Rapanos làm việc tại Bộ Kinh tế khi Hy Lạp gia nhập khối eurozone vào năm 2001. Sẽ có 2 Bộ mới được thành lập: Bộ Du lịch và Bộ Hàng hải - 2 ngành mang lại nguồn thu chính cho nền kinh tế quốc gia châu Âu này.
Trở thành Thủ tướng thứ tư của Hy Lạp trong 8 tháng, thách thức đối với ông Samaras không nhỏ. Theo Reuters, người dân Athens bày tỏ hoài nghi về việc Chính phủ mới có thể cải thiện được tình trạng hiện tại của Hy Lạp hay không. Phát biểu trong lễ nhậm chức tại dinh Tổng thống, chính ông Samaras cũng thừa nhận những khó khăn đang chờ đợi và cảnh báo về tình huống nguy hiểm của Hy Lạp - quốc gia trải qua năm thứ 5 suy thoái kinh tế. Tân Thủ tướng 61 tuổi này cam kết làm mọi việc để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
Trao đổi với ông Samaras, cựu Thủ tướng Panagiotis Pikrammenos cũng nói rằng, người kế nhiệm phải vượt qua nhiều “trận chiến phía trước, cả ở trong lẫn ngoài Hy Lạp”. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Pasok Evangelos Venizelos khẳng định: Chính phủ mới sẽ phải bắt đầu “một trận chiến quan trọng” để xem xét gói giải cứu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở thành phố Brussels của Bỉ vào tuần tới. Lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả Fotis Kouvelis lại bày tỏ kỳ vọng nội các dưới sự lãnh đạo của ông Samaras sẽ đưa đất nước khỏi “thời kỳ đau buồn” khi vay mượn hàng tỷ USD.
Hãng Reuters cho biết, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là khôi phục liên hệ với các nhà kiểm toán quốc tế và nối lại giải pháp vay mượn vốn bị ngừng lại trước bầu cử. Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với khủng hoảng nợ công và muốn giữ Hy Lạp ở lại trong khối các nước sử dụng đồng euro đã mời ông Samaras đến đàm phán tại Berlin. Đức là một trong các chủ nợ nước ngoài sẵn sàng cho Athens thêm thời gian để đạt mục tiêu giảm thâm hụt, nhưng lại không thay đổi gói cứu trợ được thống nhất vào tháng 2 vừa qua.
Hy Lạp phải cắt giảm 11,5 tỷ euro (14,6 tỷ USD), tương đương 5% GDP vào năm 2014 nhưng các đảng của Hy Lạp muốn thời hạn cuối để thực hiện mục tiêu này là năm 2016. Liên quan đến các gói cứu trợ, CNN dẫn lời Tiến sĩ Vassilis Monastiriotis ở Trường Kinh tế London (Anh) dự đoán cộng đồng quốc tế sẽ thể hiện sự kiên nhẫn đối với Chính phủ mới của Athens ít nhất cho đến tháng 9 tới.
PHÚC NGUYÊN