.

Mỹ muốn nghe bàn thảo Quy tắc ứng xử Biển Đông

.

Washington nhìn thấy những động lực trong quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN để cho ra đời một bộ quy tắc ứng xử, nhằm hạ nhiệt những căng thẳng liên quan tới các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

Tàu CSB 2008 của cảnh sát biển Việt Nam tham gia tuần tra liên hợp tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Ảnh minh họa: QĐND
Tàu CSB 2008 của cảnh sát biển Việt Nam tham gia tuần tra liên hợp tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị (Ảnh minh họa: QĐND)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình dương, Kurt Campbell cho hay ông hiểu rằng một đề xuất sơ bộ về bộ quy tắc ứng xử đang được bàn thảo, đồng thời cho biết Mỹ hy vọng có thể được lắng nghe nhiều hơn về điều này tại Campuchia.

Ông Campbell muốn nhắc tới việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới thủ đô Phnom Penh của Campuchia tháng tới, để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị sau hội nghị Bộ trưởng (PMC). Cùng góp mặt tại đây sẽ là các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cường quốc khu vực, trong đó có Trung Quốc. Biển Đông được cho sẽ là chủ đề nóng được bàn thảo tại Phnom Penh.

"Điều chúng ta nhận thấy gần đây đó là sự tăng cường ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc về các khía cạnh liên quan tới một bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông)", AFP dẫn lời ông Campbell phát biểu tại hội thảo "An ninh Hàng hải tại Biển Đông". Đây là hội thảo thường niên lần thứ hai do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tổ chức tại Mỹ.

"Tôi sẽ nói rằng chúng tôi thực sự ấn tượng với mức độ tập trung được dành cho vấn đề này, đặc biệt là từ phía ASEAN", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói. Ông Campbell không nói thêm về bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và thừa nhận những tranh chấp ở vùng biển này "đầy khó khăn".

Hội thảo của CSIS năm nay có sự góp mặt của nhiều quan chức và chuyên gia nhiều nước. Ngoài ông Campbell, Thượng nghị sĩ Mỹ kiêm Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình dương của Thượng viện Mỹ, Jim Webb và Thượng nghị sĩ Joe Lieberman cũng có những bài phát biểu quan trọng tại hội thảo. Nhiều chuyên gia từ châu Á và Mỹ cũng sẽ góp mặt tại hội nghị để cùng trao đổi về những chủ đề chính liên quan tới an ninh hàng hải tại Biển Đông.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố về Ứng xử của Các bên trên Biển Đông (DOC), đồng thời đồng ý đàm phán về việc cho ra đời bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, không có nhiều tiến triển rõ rệt kể từ đó tới nay. Trung Quốc luôn thể hiện mong muốn đàm phán với từng nước trong khối ASEAN thay vì thương lượng chung với cả khối này.

Trong cuộc gặp mặt ở Phnom Penh hồi tháng 4, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cho biết họ hy vọng có thể thu hẹp những cách biệt và ký COC với Trung Quốc vào cuối năm nay.

Biển Đông thời gian qua có nhiều diễn biến nóng. Trung Quốc và Philippines có căng thẳng ngoại giao suốt hơn hai tháng vì tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Căng thẳng này chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt trong những ngày gần đây.

Cũng xoay quanh chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc những ngày qua cũng trao đi đổi lại những lời phản đối lẫn nhau. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phản đối việc Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc chào thầu thăm dò khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc ra quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông, tuyến hàng hải có vai trò quan trọng đối với việc thông thương quốc tế và cũng được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào, đang ngày một được quan tâm nhiều hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton từng tuyên bố hồi tháng 7/2010 rằng Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực và tự do đi lại bình thường trên Biển Đông. Bà cũng gợi ý rằng Washington có thể "tạo điều kiện thuận lợi” cho các cuộc đàm phán khu vực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Biển Đông nằm ở khu vực tây Thái Bình dương và vì thế sẽ là nơi Mỹ cụ thể hóa chính sách quân sự mới, với nội dung chuyển dịch dần trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Thượng nghị sĩ Webb năm ngoái trình lên Thượng viện Mỹ dự thảo nghị quyết liên quan tới Biển Đông. Bản nghị quyết có tên "Kêu gọi một giải pháp đa phương và hòa bình đối với các tranh chấp lãnh hải tại Đông Nam Á". Ông Webb không kêu gọi Mỹ cần phải tham gia trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng nên tham gia vào một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề.

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.