.

Mỹ sẽ đưa 60% tàu chiến tới châu Á-Thái Bình Dương

.

(ĐNĐT) - Ngày 2-6, phát biểu tại tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại quốc phòng Shangri-La), Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết, Mỹ có kế hoạch đưa 60% tàu chiến tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Leon Panetta phát biểu
Leon Panetta phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Reuters)

Theo ông Panetta, vào năm 2020, hải quân Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân từ hiện tại khoảng 50-50% cho hai vùng Thái Bình Dương và Đại Tây dương, lên 60% cho Thái Bình Dương và 40% cho Đại Tây Dương.

Trong số đó, sẽ có 6 tàu sân bay trong khu vực, một số lớn các tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu chiến và tàu ngầm. Cùng với đó, Mỹ sẽ gia tăng số lượng và tầm mức các cuộc tập trận chung với các đồng minh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định lại một loạt các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm các hiệp ước với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và các đối tác Ấn Độ, Singapore, Indonesia cùng nhiều nước khác. Ông cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự khu vực thông qua những hoạt động hợp tác tương tự như thỏa thuận luân chuyển bố trí quân mà Mỹ đã đạt được với Australia và đang tiến hành với Philippines. Ngoài ra, Washington còn tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực.

Trong chuyến đi tới châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang thực hiện cùng lúc hai sứ mệnh. Thứ nhất là định ra một lộ trình thực tế chi tiết hơn về việc tái cân bằng chiến lược của Washington hướng về châu Á, tái khẳng định với các đồng minh trong khu vực, những nước đang tự hỏi liệu họ có đủ kinh phí cho chiến lược mới này trong điều kiện sức ép ngân sách nội tại.

Thứ hai, ông Panetta tìm cách giảm nhẹ những ý kiến cho rằng, chiến lược mới của Washington là nhằm vào việc chế ngự sức mạnh của Trung Quốc.

Theo đó, ông Panetta nhấn mạnh tới sự cần thiết cho một quan hệ gần gũi hơn giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là để nhận thức về những khu vực khó khăn trong an ninh mạng và không gian.  Ông tuyên bố, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ cải thiện an ninh khu vực và điều này đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Ông cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ổn định, đáng tin cậy, lành mạnh và lâu dài với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc ông Panetta có mặt tại Shangri-La là để ủng hộ cho một hệ thống mới giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ trên cơ sở “dựa trên nền tảng luật pháp” trên Biển Đông sẽ không làm hài lòng Bắc Kinh. Đồng thời, Bắc Kinh vẫn không hài lòng khi thấy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này.

Mặc dù đang gặp khó khăn về ngân sách cũng như việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Mỹ sẽ không ngừng thay đổi chiến lược đó, đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có kế hoạch ngân sách trong vòng 5 năm tới để thực hiện mục tiêu này, ông Panetta khẳng định.

Mỹ là một trong những quốc gia có phái đoàn hùng hậu nhất tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La 11, trong đó có sự xuất hiện ba quan chức quân sự hàng đầu gồm Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear.

Theo kế hoạch, sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta sẽ thực hiện chuyến công du bảy ngày đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, nhằm làm rõ với các đồng minh và đối tác trong khu vực về chiến lược quân sự được công bố hồi tháng Một về việc tái lập sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Quang Hiển (theo BBC, Reuters, TTXVN)

;
.
.
.
.
.