.

NATO lên tiếng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ

.

Các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, việc Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể chấp nhận.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bìa phải) đến tham dự cuộc họp nội các tại Ankara.                                                                                                           Ảnh: AP
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bìa phải) đến tham dự cuộc họp nội các tại Ankara. Ảnh: AP

Tuyên bố của NATO vào ngày 26-6 càng làm dấy lên căng thẳng giữa 2 nước láng giềng. Thêm vào đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết đáp trả bất kỳ sự vi phạm nào của Syria trong tương lai ở khu vực biên giới. “Bất kỳ yếu tố quân sự nào tiến đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria, đặt ra rủi ro về an ninh và nguy hiểm sẽ được xem là mối đe dọa và là mục tiêu quân sự”, ông Erdogan nhấn mạnh cuộc họp Quốc hội ở Ankara.

Hãng AP cho biết, cùng với cuộc họp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc họp khẩn cấp của NATO cũng diễn ra tại thành phố Brussels (Bỉ) theo yêu cầu từ phía Ankara chỉ vài ngày sau khi chiếc máy bay F-4 Phantom bị bắn rơi trên bầu trời Syria. Các thành viên NATO chỉ trích Syria và yêu cầu Damascus phải có động thái để ngăn chặn những vụ việc như thế. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen mô tả hành động của Syria là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời cam kết đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ với tinh thần đoàn kết. Song, ông Rasmussen không đề cập đến việc trả đũa.

Syria vẫn khẳng định máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm không phận nước này. Tuy nhiên, phía Ankara không chấp nhận và cho rằng, chiếc F-4 Phantom vẫn ở trong không phận quốc tế khi bị bắn hạ. Thủ tướng Erdogan gọi việc Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động cố ý và điều đáng nói là không có cảnh báo nào. Theo ông Erdogan, chiếc F-4 Phantom đã đi lạc vào không phận Syria nhưng chỉ trong thời gian ngắn và hoàn toàn do nhầm lẫn. Ông nói rằng, việc vi phạm biên giới ở khu vực không thường xảy ra và thời gian gần đây, các trực thăng của Syria đã vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ 5 lần nhưng Ankara không đáp trả. Thậm chí, nhà lãnh đạo này còn cho hay, kể từ ngày 1-1-2012, máy bay quân sự của nhiều nước khác nhau, trong đó có Syria, đã xâm phạm bầu trời của Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 114 lần. Phát biểu với các nghị sĩ về phản ứng của Chính phủ, ông Erdogan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các quyền của mình, dựa trên luật pháp quốc tế, với quyết tâm và thực hiện các bước đi cần thiết để xác định thời gian, địa điểm và phương pháp của chính mình”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã viện dẫn Điều V của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để kêu gọi sự trợ giúp của toàn bộ 28 thành viên trong liên minh. Từng là đồng minh thân thiết của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này, Thủ tướng Erdogan trở thành một trong những nhà lãnh đạo chỉ trích Chính phủ Damascus gay gắt nhất.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast kêu gọi các nước trong khu vực hỗ trợ giải quyết căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông Mehmanparast nói rằng, các nước chủ chốt trong khi vực có thể ngăn chặn vụ việc leo thang và trở thành vấn đề liên quan đến các nước khác. Vốn là đồng minh của Syria, Iran giờ đây bày tỏ mong muốn sẽ dùng mối quan hệ tốt đẹp không những với Tehran mà còn với Ankara để giải quyết mâu thuẫn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.