.

Nga - EU bàn về khủng hoảng Syria

.

Quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Syria và đánh giá của ông đối với quan hệ Mátxcơva - Liên minh châu Âu (EU) được đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ở vùng ngoại ô St. Petersburg ngày 4-6.
 

Tổng thống Vladimir Putin (bìa phải) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.                                                                                                                                       Ảnh: Reuters
Tổng thống Vladimir Putin (bìa phải) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy. Ảnh: Reuters

Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU là cơ hội để gặp gỡ, tái thiết lập quan hệ với ông Putin, người từng giữ 2 nhiệm kỳ Tổng thống, một nhiệm kỳ Thủ tướng và hiện trở lại nắm quyền, đồng thời phụ trách chính sách đối ngoại của Nga. Đây cũng là lần đầu tiên ông Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với châu Âu kể từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua.

Song, theo Reuters, cuộc khủng hoảng ở Syria - nơi mà Nga phản đối những nỗ lực của phương Tây trong việc chỉ trích và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad - được cho là phủ bóng lên các cuộc đàm phán thương mại cũng như những vấn đề khác tại hội nghị. Cả Nga lẫn châu Âu vẫn hy vọng bản kế hoạch hòa bình do đặc sứ LHQ Kofi Annan đề xướng sẽ kết thúc 15 tháng khủng hoảng ở Syria. EU muốn Nga yêu cầu Tổng thống Assad không những rút vũ khí khỏi các thành phố ở quốc gia Trung Đông này, ngừng các cuộc tấn công (theo yêu cầu của kế hoạch hòa bình) mà còn phải từ chức để mở đường chuyển giao quyền lực. Một quan chức EU xác nhận điều này và cho hay, các nước thuộc châu lục già cỗi muốn Nga gây áp lực để thuyết phục đồng minh Damascus thực thi kế hoạch. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 3-6 và nói rằng, Mátxcơva đóng vai trò quan trọng để bảo đảm kế hoạch hòa bình của ông Annan thành công. Bà Ashton cho biết, EU muốn hợp tác chặt chẽ với Nga để tìm ra giải pháp kết thúc bạo lực.

Nằm ngoài EU nhưng Mỹ cũng muốn Nga tham gia vào những nỗ lực của quốc tế để hướng đến chuyển giao chính trị tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, một đề xuất linh hoạt hơn có thể đến từ Mátxcơva. Hãng CNN còn cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới vốn cáo buộc Nga ủng hộ và bán vũ khí cho Chính phủ Syria. Song, Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc này.

Trong lúc đó, Nga khẳng định không bảo vệ ông Assad nhưng sự tồn tại của nhà lãnh đạo Syria không thể là điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại chính trị. Theo AFP, ông Putin thừa nhận Syria đang đứng bên bờ vực nội chiến cho dù Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình của nhà ngoại giao Kofi Annan. Song, nhà lãnh đạo Điện Kremlin dẫn chứng trường hợp Libya và Iraq để thấy rằng, việc chuyển giao quyền lực và sự can thiệp từ bên ngoài cũng không giải quyết được các vấn đề tồn tại ở những nước này suốt thời gian dài.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và bà Ashton đều muốn thăm dò thái độ của Tổng thống Putin đối với EU bởi Mátxcơva và châu lục này có mối quan hệ gắn bó sâu sắc. Châu Âu vốn phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu năng lượng của Nga, còn Mátxcơva đang mua các sản phẩm của EU, từ ô-tô của Đức cho đến dầu ô-liu của Hy Lạp. Song, cả hai có những bất đồng xung quanh vấn đề cung cấp năng lượng, thương mại… Theo giới quan sát, để thu hẹp những bất đồng này, Nga và EU cần có tiếng nói chung và cái nhìn cùng hướng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.