.

Nga - Trung củng cố liên minh chủ chốt

.

Đó là mong muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày, từ ngày 5 đến 7-6. Năng lượng và hợp tác ngoại giao là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của ông Putin với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Vladimir Putin (giữa) đến Bắc Kinh.                                     Ảnh: THX
Tổng thống Vladimir Putin (giữa) đến Bắc Kinh.                                                         Ảnh: THX

Ngày 5-6, Tổng thống Putin đã đến Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ liên minh chủ chốt, vốn đóng vai trò quan trọng - nhất là khi hai nước giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ lại cùng phản đối bất kỳ hành động nào can thiệp vào nội bộ của Syria. Đây là lần đần tiên ông Putin đến Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kể từ khi trở lại Điện Kremlin nhiệm kỳ 3. Chuyến công du này diễn ra trong lúc các nước phương Tây tăng sức ép với Nga xung quanh vấn đề Syria.

Hãng AFP cho biết, mặc dù Mátxcơva và Bắc Kinh đã trải qua những xung đột biên giới và những hoài nghi lẫn nhau ở thời Liên Xô cũ, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần qua khẳng định rằng, Nga có “quan hệ kiểu mẫu” với Trung Quốc về chính sách ngoại giao. Tờ Nhật báo Trung Quốc ngày 5-6 cũng đề cập đến quan hệ giữa 2 nước với nhận định: Trong lúc Đông Á và Bắc Phi có những thay đổi sâu sắc, Bắc Kinh và Mátxcơva vẫn cùng hợp tác để bảo vệ các nguyên tắc căn bản của Hiến chương LHQ và các tiêu chuẩn quan hệ quốc tế.

Trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yury Ushakov nói rằng, Nga và Trung Quốc sẽ ký 17 thỏa thuận hợp tác thương mại và ngoại giao. Giao dịch thương mại giữa 2 nước đạt đến 80 tỷ USD vào năm ngoái. Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Putin nói rằng, ông muốn gia tăng giao dịch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Minh chứng cụ thể cho mong muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc là trong phái đoàn Nga có đến 6 thành viên nội các cùng lãnh đạo của những Tập đoàn năng lượng Gazprom, Rosneft và Transneft… Song, chưa rõ trong 17 văn bản dự kiến ký kết có thỏa thuận khí đốt vốn được chờ đợi từ lâu, theo đó Mátxcơva có thể cung cấp khoảng 70 tỷ m3 khí đốt cho Bắc Kinh. Các hãng tin mới đây đều cho hay, vẫn còn những bất đồng về giá cả giữa Nga - nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, với Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Mátxcơva muốn việc định giá phải được liên kết giữa giá khí đốt với giá dầu mỏ, như nước này từng áp dụng đối với châu Âu, trong khi Bắc Kinh muốn giá rẻ hơn. Nếu Tập đoàn Gazprom của Nga và Công ty Dầu quốc gia Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, việc giao dịch sẽ bắt đầu thực hiện vào năm 2015.

Liên quan đến vấn đề Syria, Nga và Trung Quốc đều nhấn mạnh họ sẽ không ủng hộ sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia Trung Đông này. Nga vốn là đồng minh thân thiết của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Theo Phó Chủ tịch Đại học Kinh tế Plekhanov ở Mátxcơva, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Putin, Nga thấy đối thoại chính trị với Trung Quốc dễ hơn với phương Tây và “cái bắt tay” giữa 2 “ông lớn” này sẽ mang lại cho Mátxcơva sự đối trọng với Mỹ. Ông Putin cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), do Nga và Trung Quốc chủ trì, với sự tham dự của hầu hết các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, nhằm thúc đẩy sự hội nhập của khu vực và ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.