.

Nga - Trung thúc đẩy quan hệ quân sự

.

* SCO hướng đến Trung Á hòa bình và phát triển

Các cuộc tập trận chung là một trong những nội dung hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Điều này được Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định bên lề Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp gỡ tại Bắc Kinh.                                                                        Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp gỡ tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Tại thủ đô Bắc Kinh ngày 6-6, Tổng thống Putin nói rằng, Mátxcơva sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Trung Quốc và đề cập đến các cuộc tập trận chung giữa 2 nước trên Biển Hoàng Hải để minh chứng cho sự hợp tác này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác giữa 2 lực lượng quân đội”, ông Putin khẳng định với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố của Tổng thống Putin còn nêu rõ: Nga và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sáng kiến chung trong việc thúc đẩy an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở luật quốc tế.

Hãng Reuters cho biết, tháng 4 vừa qua, lực lượng Hải quân Nga và Trung Quốc đã trải qua 6 ngày diễn tập trên Biển Hoàng Hải, trong đó có các cuộc diễn tập chống tàu ngầm và giải cứu tàu bị cướp. Bắc Kinh triển khai 16 tàu và 2 tàu ngầm, trong khi Nga điều 4 chiến hạm từ Hạm đội Thái Bình Dương.

Việc thúc đẩy hợp tác giữa Nga với Trung Quốc, như tuyên bố của Tổng thống Putin, diễn ra trong lúc Mátxcơva và Bắc Kinh đều quan ngại về ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực “sân sau” của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cuối tuần qua nói rằng, Washington sẽ đưa 60% số chiến hạm đến châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020, tăng so với con số 50% hiện tại. Theo đó, tổng cộng 6/11 chiến hạm của Mỹ sẽ đến châu Á - Thái Bình Dương khi tàu mới USS Gerald R. Ford được hoàn tất vào năm 2015.

Trong khi đó, tại Hội nghị SCO, việc thúc đẩy thông tin, hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế là những mong muốn của tổ chức này. Hãng IANS dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết, SCO đáp ứng xu hướng hòa bình, phát triển và nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân trong khu vực.

Vấn đề an ninh ở Trung Á, trong đó có tình hình ở Afghanistan, là một trong những nội dung chính được đặt lên bàn nghị sự. Tổng thống Putin nói rằng, an ninh của Afghanistan là mối quan tâm chung. Còn Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị đã bày tỏ mong muốn hội nghị SCO sẽ thông qua kế hoạch trấn áp khủng bố. Bắc Kinh chỉ trích Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan liên quan đến những vụ khủng bố ở khu vực Tây Tân Cương và cho rằng nhóm này cũng hoạt động ở Pakistan, Afghanistan. Theo Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á muốn đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan trong việc tái thiết hòa bình. Song, giới quan sát cho rằng không phải ngẫu nhiên mà SCO đặt nặng vấn đề an ninh của Afghanistan. Thực tế, các thành viên SCO đều quan ngại những bất ổn sẽ gia tăng sau khi lực lượng NATO rút quân và vượt ra khỏi phạm vi biên giới của quốc gia Nam Á này, lan rộng đến các nước Trung Á.

Trước đó, các quan chức Afghanistan khẳng định Kabul và Bắc Kinh sẽ sớm công bố kế hoạch thắt chặt quan hệ với nhau. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đóng vai trò lớn với Kabul, chứ không đơn thuần là đối tác kinh tế, khi quân đội nước ngoài rời khỏi sau cuộc chiến kéo dài 11 năm. Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 6-6, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không đề cập chi tiết việc thúc đẩy lực lượng an ninh như thế nào để đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan. Nhưng một chuyên gia Trung Quốc nhận định: Hội nghị SCO là dịp để các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về động thái sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan. Trao đổi với Reuters, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nga và Trung Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nói rằng, vấn đề Afghanistan chắc chắn được các thành viên SCO quan tâm vì những quan ngại về an ninh liên quan.

SCO được thành lập vào năm 2001, bao gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Iran, Ấn Độ, Pakistan và các nước khác tham dự các phiên họp của SCO nhưng không phải là thành viên chính thức. Tại hội nghị lần này, Afghanistan là khách mời của SCO.

BÌNH YÊN

 

;
.
.
.
.
.