.

Pakistan rơi vào khủng hoảng chính trị

.

Việc Tòa án tối cáo Pakistan bác bỏ tư cách Thủ tướng của ông Yousuf Raza Gilani đang đẩy Islamabad vào cuộc khủng hoảng mới.
 

Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đến Tòa án Tối cao ở Islamabad để nghe phán quyết.                                                                          Ảnh: AP
Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đến Tòa án Tối cao ở Islamabad để nghe phán quyết. Ảnh: AP

Tối 19-6, Hội đồng thẩm phán Pakistan công bố ông Gilani bị phế truất tư cách thành viên Quốc hội từ ngày 26-4, tức thời điểm ông bị kết tội coi thường bộ máy tư pháp, không chấp hành phán quyết của Tòa án tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari. Ông Gilani sẽ thôi làm Thủ tướng và bị cấm nắm giữ bất kỳ chức vụ gì ở các cơ quan công quyền trong 5 năm.

Hãng AP cho rằng, quyết định của Tòa án tối cao có thể không lật đổ được liên minh Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền nhưng khiến liên minh này suy yếu, đất nước thiếu vắng nội các. Theo Hiến pháp, sau khi Thủ tướng bị phế truất thì Chính phủ đương nhiệm phải bị giải tán. Song, liên minh PPP từng tuyên bố rằng, trong trường hợp ông Gilani bị cách chức, đảng này vẫn đủ số phiếu tại Quốc hội để chọn ra một Thủ tướng mới. Hầu hết các nhà phân tích hy vọng Chính phủ Islamabad sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án và bắt đầu tiến trình thay thế ông Gilani, hoặc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào đầu năm tới.

Cũng theo AP, diễn biến trên được xem là cuộc đảo chính tư pháp tại một đất nước có lịch sử xung đột giữa các tòa án, quân đội và Chính phủ được bầu. Khủng hoảng chính trị lần này diễn ra trong lúc Pakistan phải đối mặt với nền kinh tế bấp bênh, tình trạng thiếu năng lượng và cuộc đấu tranh chống lại các chiến binh Hồi giáo - lực lượng đứng sau các cuộc tấn công làm hàng ngàn người thiệt mạng trong suốt 5 năm qua.

Ngày 20-6, Tổng thống Zardari phải hoãn chuyến công cán đến Nga để triệu tập cuộc họp khẩn cấp của PPP, xem xét những diễn biến chính trị có thể xảy ra. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Chính phủ rằng, ông Zardari và PPP quyết định tìm Thủ tướng mới thay vì đối đầu với quyết định của Tòa án, để tránh sự bế tắc của Hiến pháp. Aitzaz Ahsan, thành viên của PPP, khẳng định: “Chúng tôi chấp nhận phán quyết. Hiện ứng viên triển vọng nhất cho chiếc ghế này là Bộ trưởng Dệt may Makhdoom Shahabuddin, ngoài ra còn có Bộ trưởng Thương mại Makhdoom Amin Fahim. Quốc hội Pakistan có thể được nhóm họp vào hôm nay (21-6) để bầu chọn Thủ tướng.

Ông Gilani trở thành Thủ tướng sau khi PPP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2008. Nhưng kể từ khi bị kết tội coi thường bộ máy tư pháp, ông Gilani đã bác bỏ việc từ chức. Ông không tuân thủ yêu cầu của Tòa án đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Zardari. Phán quyết lần này đánh dấu sự leo thang trong cuộc đối dầu kéo dài giữa các thẩm phán và Chính phủ Islamabad. Những người ủng hộ Chính phủ và một số nhà bình luận độc lập cáo buộc Tòa án đang có những động thái trả đũa Tổng thống Zardari và đe dọa đến nền dân chủ non trẻ của đất nước. Song, những người chống ông Zardari lại cho rằng, Tòa án là cơ quan duy nhất đứng lên chống tham nhũng tràn lan trong Chính phủ.

Một kịch bản khác là ông Zardari và đồng minh Gilani bất chấp phán quyết của Tòa. Nhưng điều này sẽ khơi mào cho sự bế tắc của Hiến pháp và dẫn đến bất ổn xã hội, thậm chí làm tăng khả năng quân đội tiến hành đảo chính - động thái từng xảy ra 3 lần ở Pakistan.

Ông Gilani sẽ có quyền đệ đơn kháng án trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên,  theo AP, ông sẽ ít có cơ hội thành công.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.