.

“Phép lợi thế” bị đe dọa

Tuy còn 5 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa và đương kiêm Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ diễn ra vô cùng quyết liệt. Hai phe khai thác những hạn chế, sai sót của nhau để tấn công nhằm giành lấy điểm của cử tri.

Một trong những chuyện đang làm dậy sóng chính trường nước Mỹ là những tháng gần đây, dư luận đã chứng kiến truyền thông loan tin về hoạt động mạng của Mỹ chống lại Iran, những hoạt động của máy bay không người lái chống khủng bố và những hoạt động bí mật của Mỹ tại Yemen. Theo cáo buộc của phe Cộng hòa, những tiết lộ đó của Nhà Trắng nhằm để công chúng hiểu rõ và ủng hộ thành tích bảo vệ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama trong lúc ông tái tranh cử.

Để làm sáng tỏ vụ việc, phe Cộng hòa buộc phải có một điều tra viên độc lập, trong khi Bộ Tư pháp từ chối và cử hai công tố viên liên bang dẫn đầu một cuộc điều tra. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder phải ra điều trần trước một Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nơi ông liên tiếp được nghe phe Cộng hòa đòi hỏi phải bổ nhiệm một tham vấn luật pháp đặc biệt để dẫn đầu cuộc điều tra. Tại cuộc điều trần của Ủy ban Tư pháp, Thượng nghị sĩ John Cornyn của bang Texas đã gửi thông điệp thẳng rằng: “Quý vị không để cho tôi một chọn lựa nào khác ngoài việc phải đứng vào hàng ngũ những người đòi quý vị từ chức. Nhân dân Mỹ xứng đáng có một Bộ trưởng Tư pháp thành thật với họ. Họ xứng đáng có một Bộ trưởng Tư pháp giữ vững những giá trị căn bản của nền chính trị độc lập, trong đó những người trong Chính phủ bị buộc phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Điều đáng buồn là rất nhiều lần quý vị đã chứng tỏ rằng quý vị không muốn làm như thế”.

Theo các nhà quan sát, vụ việc để lộ thông tin mật cho báo chí đe dọa tới an ninh quốc gia và cuộc tranh cãi cho tiến trình điều tra này sẽ làm cho “phép lợi thế” của ông Obama bị đe dọa. Vì cử tri Mỹ lại liên tưởng đến vụ tiết lộ Hồ sơ mật của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Nixon khi cuộc chạy đua nhiệm kỳ thứ hai diễn ra quyết liệt. Mặt khác, những thông tin mật bị tiết lộ làm các nước có liên quan, nhất là Iran và Pakistan, sẽ phẫn nộ, vì an ninh quốc gia của họ bị xâm phạm nghiêm trọng. Vì thế, các cuộc đàm phán nhằm hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Islamabad - Washington đổ vỡ, nên ngày 12-6 vừa qua, Mỹ phải rút phái đoàn đàm phán khỏi Pakistan.

Một cuộc thăm dò mới nhất do Hãng Reuters và IPSOS thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng giêng do những lo ngại sâu sắc về kinh tế, khiến ông mất hầu hết điểm dẫn trước đối thủ Mitt Romney trong cuộc tranh cử Tổng thống năm nay. Tỷ lệ người Mỹ chấp nhận hiệu quả công việc của ông Obama đã giảm từ 50% cách đây một tháng xuống còn 47%, bằng với mức điểm mà ông nhận được vào đầu tháng giêng năm nay. Số người nghĩ rằng nước Mỹ đang đi sai đường tăng 6% trong một tháng, lên 63%. Những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Obama giúp ông Romney dẫn trước 1 điểm so với ông Obama - 45% so với 44% - trong số các cử tri đã đăng ký bầu cử, vào thời điểm còn chưa đầy 5 tháng trước cuộc bầu cử ngày 6-11. Cách đây một tháng, ông Obama dẫn trước đối thủ 7%.

Tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm nhiều nhất trong nhóm cử tri độc lập - những người có thể có tác động hết sức quan trọng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào tháng 11.

“Phép lợi thế” của ông Obama đang bị đe dọa trên nhiều phương diện. Đó cũng là cơ hội cho Đảng Cộng hòa và ứng cử viên Mitt Romney tăng tốc giành ảnh hưởng.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.