.

Syria rơi vào nội chiến

.

LHQ cảnh báo Syria đang rơi vào nội chiến và Chính phủ Damascus không thể kiểm soát các thành phố trong cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 15 tháng.

Biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad diễn ra ở thành phố Idlib, phía Bắc Syria.                                                                                                                       Ảnh: Reuters
Biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad diễn ra ở thành phố Idlib, phía Bắc Syria.     Ảnh: Reuters

Báo cáo do Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous công bố cho biết, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang muốn giành lại quyền kiểm soát một số khu vực bị phiến quân nắm giữ. Hãng Reuters dẫn lời ông Ladsous xác nhận khủng hoảng của Syria trong lúc này là cuộc nội chiến toàn diện. Nhà lãnh đạo này còn nói rằng, có sự gia tăng lớn về mức độ bạo lực. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của LHQ chính thức lên tiếng về tình trạng khủng hoảng ở Syria là nội chiến. Trước đây, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chỉ nhấn mạnh: Nội chiến sắp xảy ra.  

Trong lúc đó, cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Syria nhưng Lầu Năm Góc lại không thể xác định được bất kỳ tàu chở vũ khí mới nào của Mátxcơva hiện diện tại đồng minh Trung Đông. Song, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cáo buộc Nga cung cấp trực thăng chiến đấu cho Chính phủ Assad và các trực thăng này đang trên đường đến Damascus. Tại một diễn đàn ở Washington, bà Clinton nói rằng, hành động này sẽ làm xung đột leo thang đáng kể. Theo Ngoại trưởng Clinton, Mỹ lo lắng Nga có thể đang đưa các trực thăng đến Syria và bác bỏ lập luận của Mátxcơva rằng, việc đưa vũ khí tới quốc gia Trung Đông này không liên quan đến cuộc xung đột. Nếu cáo buộc trên là sự thật thì Nga đi ngược lại kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc sứ LHQ Kofi Annan. Kế hoạch này kêu gọi cả phía quân đội Chính phủ Damascus lẫn phiến quân hạ vũ khí ngay lập tức, đồng thời tham gia vào tiến trình chuyển giao chính trị.

Theo Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, tình hình ở một số khu vực tại Syria đang xấu đi. Các cuộc giao tranh mới vẫn diễn ra trong ngày 13-6. Chính phủ Damascus khẳng định đang đấu tranh chống lại các nhóm khủng bố, trong khi phiến quân nói rằng họ đang bảo vệ cho một cuộc nổi dậy vì hòa bình. Hàng ngàn người, trong đó có thường dân, phiến quân và cả các thành viên lực lượng an ninh của Tổng thống Assad đã thiệt mạng kể từ khi đặc sứ Annan đề xuất thỏa thuận hòa bình để ngăn chặn việc đổ máu. Hãng AFP cho biết, Mỹ bày tỏ quan ngại rằng, sứ mệnh của LHQ tại Syria có thể bị “chết yểu” khi thời hạn cuối cùng phải hoàn tất nhiệm vụ cận kề (ngày 20-7 tới). Và Hội đồng Bảo an LHQ sẽ phải quyết định có gia tăng thời gian thực hiện nhiệm vụ này hay không. Theo Ngoại trưởng Clinton, việc gia hạn sứ mệnh là điều khó khăn, nhất là những hiểm nguy đe dọa 300 quan sát viên khi hiện diện ở Syria. Trong khi đó, Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh: Có thể hoài nghi về sứ mệnh của LHQ trong tương lai nếu không có tiến trình thực hiện kế hoạch hòa bình của ông Annan.

Không riêng Mỹ, các cường quốc khác cũng đang tìm giải pháp kết thúc khủng hoảng ở Syria khi số người chết không ngừng gia tăng, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn vốn có hiệu lực từ ngày 12-4 vừa qua. Tuy nhiên, ngày 13-6, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen lại nhận định: Sự can thiệp của quân đội nước ngoài không phải là con đường đúng ở Syria, đồng thời chỉ trích rằng việc Hội đồng Bảo an LHQ không đạt được thỏa thuận về khủng hoảng là “sai lầm lớn”. “Thông điệp rất rõ ràng” mà ông Rasmussen dành cho Nga là Mátxcơva đóng vai trò then chốt trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị.

Nga đang thúc đẩy một hội nghị quốc tế với sự tham gia của Iran - đồng minh chính của Syria ở Trung Đông, và các cường quốc khác trong khu vực. Hội nghị này do ông Annan đề xuất nhưng lại bị Mỹ chỉ trích. Công ty xuất khẩu vũ khí thuộc Nhà nước Nga Rosoboronexport cũng khẳng định Mátxcơva không cung cấp thiết bị quân sự cho nước ngoài - những nước có tên trong danh sách trừng phạt của LHQ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.