.

Tân Tổng thống Ai Cập lập Chính phủ

.

Tổng thống mới đắc cử Mohamed Morsi của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đang bắt tay xây dựng Chính phủ dân sự để hàn gắn một đất nước bị chia rẽ.

Ông Mohamed Morsi trong niềm vui chiến thắng.                             Ảnh: Reuters
Ông Mohamed Morsi trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, tại Quảng trường Tahrir - trung tâm của cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, từ đêm 24-6 đến sáng 25-6, những người ủng hộ ông Morsi vẫn reo hò trong niềm vui chiến thắng và kỳ vọng Ai Cập bước sang một trang mới. Với 51,7% số phiếu, ông Morsi đã giành chiến thắng ở vòng 2 trước đối thủ - cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq. Việc ông Morsi đánh bại ông Shafiq - Thủ tướng thời cựu Tổng thống Mubarak - trong một cuộc đua chật vật vẫn khiến người dân Ai Cập tin rằng đất nước này đã thoát khỏi tàn dư của chế độ Mubarak. Ông Morsi là Tổng thống dân cử đầu tiên theo Hồi giáo của Ai Cập.

Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử chính thức công bố kết quả, ông Morsi nói rằng, ông là lãnh đạo của “tất cả người dân Ai Cập” và gọi đây là “thời khắc lịch sử”. Song, vị tân Tổng thống 60 tuổi, từng học đại học ở California (Mỹ) và giảng dạy tại Đại học Zagazig (Ai Cập) vẫn phải đối mặt với bao khó khăn, nhất là khi không được trao nhiều quyền bởi Hội đồng Các lực lượng vũ trang tối cao (SCAF) vẫn đang kiểm soát đất nước.

Phát biểu trên truyền hình, ông Morsi bày tỏ sự biết ơn đối với những người biểu tình đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy chống Tổng thống Mubarak vào năm ngoái. Ông còn nói rằng, nếu không có dòng máu của những người tử vì đạo thì ông sẽ không có cơ hội trở thành Tổng thống. Ông thúc giục người dân Ai Cập đoàn kết dân tộc và nhấn mạnh: “Lúc này không có chỗ cho ngôn ngữ đối đầu”. Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống mới đắc cử Morsi là sự ổn định chính trị. Theo đó, ông sẽ tập trung vào việc thành lập một đội ngũ cộng sự, chọn Thủ tướng, các Phó Tổng thống và khẳng định sẽ tôn trọng các hiệp ước quốc tế. Dự kiến người được chọn làm Thủ tướng có thể không phải là thành viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng đến tân Tổng thống Ai Cập. Ngoại trưởng Anh William Hague gọi cuộc bầu cử là “thời khắc lịch sử của Ai Cập”. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney kêu gọi quốc gia lớn nhất ở Trung Đông tiếp tục hoàn thiện vai trò trụ cột an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gọi điện chúc mừng ông Morsi và cam kết ủng hộ sự chuyển đổi của Ai Cập sang một nền dân chủ.

Quân đội muốn ông Morsi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30-6 tới - thời điểm hạn cuối mà lực lượng này phải chuyển giao quyền cho một Chính phủ dân sự. Tuy nhiên, theo AP, khi Quốc hội đã bị quân đội giải tán, chưa rõ ông Morsi sẽ tuyên thệ nhậm chức tại đâu. Các nhà chức trách cho hay, ông sẽ làm lễ tuyên thệ tại Tòa án tối cao, nhưng Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và hàng ngàn người ủng hộ đang gây sức ép để phục hồi Quốc hội. Những người ủng hộ tổ chức biểu tình ở Quảng trường Tahrir để yêu cầu các tướng lĩnh quân đội phải hủy bỏ quyết định và phục hồi Quốc hội. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cho biết, các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi nào các yêu cầu trên được quân đội đáp ứng.

Cũng theo AP, giới phân tích quan ngại rằng, ông Morsi không có “tuần trăng mật”, mà phải bắt tay ngay vào công việc với hàng loạt khó khăn, trong đó có việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì trật tự và luật pháp - vốn bị phá vỡ khi ông Mubarak bị lật đổ. Bên cạnh đó, các thách thức trong quan hệ ở khu vực cũng được đặt ra như quan hệ giữa Ai Cập với Israel. Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh tiến trình dân chủ ở Ai Cập và cam kết tôn trọng kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ở quốc gia này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.