Đảng Dân chủ đối lập đe dọa “tẩy chay” phiên họp Quốc hội nếu liên minh do Đảng Puea Thai dẫn đầu vẫn tiếp tục thúc đẩy việc thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban phát biểu trước những người ủng hộ đảng này tại khu vực Wong Wian Yai. Ảnh: Bangkok Post |
Báo Bangkok Post cho biết, ngày 11-6, liên minh cầm quyền Puea Thai trong Quốc hội Thái Lan nhóm họp để thảo luận xem có chấp hành lệnh của Tòa án về việc ngưng thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay không. Tòa án Hiến pháp vẫn khẳng định quyền hạn của mình trong việc ban hành lệnh cấm sau khi nhận các đơn khiếu nại cáo buộc rằng, việc sửa đổi Hiến pháp nhằm lật đổ Hoàng gia.
Tranh cãi bùng nổ sau khi Đảng Dân chủ và 4 cá nhân nghi ngờ tính hợp pháp trong hành động của Chính phủ, đồng thời đặt vấn đề rằng, liệu Tòa án Hiến pháp có lạm quyền không khi ra phán quyết cấm Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp. Người phát ngôn Đảng cầm quyền Puea Thai Prompong Nopparit tuyên bố: Tòa án Hiến pháp không có quyền xem xét đơn thư khiếu nại và nên rút lại lệnh cấm. Đảng Puea Thai cũng cảnh báo Tòa phải chịu trách nhiệm nếu có bất ổn xảy ra.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Nonthaburi Direk Thungfang bác bỏ việc có mâu thuẫn giữa cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. Song, ông Thungfang cho rằng, Chủ tịch Quốc hội Somsak Kiatsuranont có quyền kêu gọi bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp và lệnh cấm của Tòa án nhận được sự phản đối nhiều hơn là ủng hộ. Trong lúc đó, Đảng Dân chủ và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vẫn yêu cầu dừng họp Quốc hội để tránh xung đột. Phát biểu trước những người ủng hộ Đảng Dân chủ tại khu vực Wong Wian Yai, nghị sĩ Suthep Thaugsuban đã đề cập đến việc tham gia chiến dịch phản đối các dự luật sửa đổi Hiến pháp và Hòa giải dân tộc. Ông Suthep nhận định: Chính phủ đang thúc đẩy các dự luật nhằm minh oan cho cựu Thủ tướng Thaksin. Các chính trị gia đối lập cũng cảnh báo, Thái Lan sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị trong khoảng một tuần tới nếu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trốn tránh trách nhiệm và không hành động gì cả. Song, ông Chaturon Chaisaeng, cựu lãnh đạo Đảng Người Thái yêu người Thái - đảng không còn tồn tại - nhấn mạnh Quốc hội nên tiếp tục làm việc và nếu tuân theo lệnh của Tòa án thì sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Tranh cãi tiếp diễn sau những bất đồng liên quan đến dự luật Hòa giải dân tộc, vốn bị phe đối lập cho là dọn đường cho cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trở về nước. Trước phản ứng gay gắt của phe áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD), Chủ tịch Quốc hội Somsak Kiatsuranont phải hoãn vô thời hạn phiên họp thứ hai về việc bỏ phiếu dự luật sửa đổi Hiến pháp và 4 dự thảo Luật Hòa giải dân tộc.
Báo Bangkok Post dẫn lời Suriyasai Katasila - điều phối viên của nhóm Chính trị Xanh rằng, mục đích thật sự và mục đích cuối cùng của cựu Thủ tướng Thaksin cùng những người ủng hộ ông là thúc đẩy dự luật Hòa giải dân tộc để ban bố lệnh ân xá đối với cựu lãnh đạo này.
Thăm dò do Hãng Suan Dusit thực hiện cho thấy, có 40% trong số 2.430 cử tri muốn Chính phủ giải quyết xung đột và nên tránh dùng đa số ở Quốc hội để thông qua dự luật mà không có lý do phù hợp. Trong khi đó, theo 56% cử tri, phe đối lập không nên tạo ra thêm khủng hoảng và cũng không nên phản đối mọi động thái của Chính phủ.
THIÊN BÌNH