Việc máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ trên không phận Syria khơi mào cho cuộc đối đầu quyết liệt giữa Ankara và Damascus.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (bìa phải) rời cuộc họp với các quan chức ở Ankara. Ảnh: AFP |
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, 2 nước từng là đồng minh thân thiết, vốn đã trở nên xấu đi kể từ cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad vào năm ngoái. Cuộc đối đầu thật sự được đánh dấu bằng vụ máy bay F-4 Phantom bị bắn rơi khi bay vào không phận bên trên vùng biển Syria. Các hệ thống phòng không đã dùng pháo bắn hạ máy bay, khiến chiếc F-4 Phantom rơi xuống biển, cách bờ biển tỉnh Latakia khoảng 10km.
Thổ Nhĩ Kỳ thề không bỏ qua vụ này. Thậm chí, một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền tuyên bố: Việc Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không khác gì lời tuyên chiến. Ngày 24-6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu khẳng định máy bay đi vào không phận Syria không phải phục vụ sứ mệnh do thám, đồng thời cáo buộc Damascus đã bắn rơi máy bay chiến đấu của Ankara tại không phận quốc tế, cách Syria 13 hải lý. Cuộc tìm kiếm 2 thành viên phi hành đoàn được tiến hành với sự tham gia của các tàu bảo vệ bờ biển từ 2 nước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp kéo dài 2 tiếng đồng hồ với các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ và Tổng Tham mưu trưởng quân đội - Tướng Necdet Ozel. Giới phân tích cho rằng, vụ việc mới này có nguy cơ khơi mào cho khủng hoảng nghiêm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và Ankara có thể viện dẫn Điều V của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để kêu gọi sự trợ giúp của toàn bộ 28 thành viên trong liên minh trong trường hợp nước này bị tấn công. Bằng chứng là Ankara đã kêu gọi hội nghị khẩn cấp của NATO, dự kiến diễn ra vào ngày 26-6 tới.
Syria và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn từ cuộc nổi dậy ở Damascus vào tháng 3-2011. Cũng từ đó, Ankara là một trong những nước chỉ trích Chính phủ của Tổng thống Assad gay gắt nhất và yêu cầu nhà lãnh đạo này từ chức. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn bị cho là đã trung chuyển vũ khí từ các nước trong khu vực đến lực lượng nổi dậy ở Syria, đồng thời thiết lập các trại tị nạn ở khu vực biên giới để tiếp nhận hơn 32.000 người Syria.
Chưa rõ “hành động cần thiết” để đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ là gì, có liên quan đến quân sự, gia tăng biện pháp trừng phạt hay những bước đi khác (bồi thường hoặc xin lỗi) hay không? Cũng chưa rõ hệ lụy từ lời xin lỗi của Syria là như thế nào? Chỉ thấy rằng, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu đã nhóm họp với các quan chức cấp cao, đồng thời trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, cùng các Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Iran và Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton. Hàng loạt động thái khẩn cấp này minh chứng sự cứng rắn của Ankara và báo hiệu những bất ổn mới ở Trung Đông, dù Damascus đã gửi lời xin lỗi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul xoa dịu căng thẳng bằng cách cho rằng có thể máy bay đã vô tình lạc vào không phận Syria. Song, nhận định của ông chỉ mang tính trấn an phần nào bởi kèm theo là tuyên bố điều tra và khả năng triển khai “những hành động cần thiết”.
Trong khi đó, Đức và Iraq thúc giục các nước điềm tĩnh, không nên để bất ổn ở Syria càng sâu sắc hơn. Iran - đồng minh đáng tin cậy nhất của Tổng thống Assad - cũng kêu gọi Damascus và Ankara kiềm chế, hóa giải bất đồng bằng đối thoại để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Còn Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc trước căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong lúc bất ổn ở Syria vẫn chưa được tháo gỡ, thêm căng thẳng này và với nguy cơ đối đầu, trả đũa thì khu vực Trung Đông sẽ rơi vào vòng xoáy bế tắc.
VĨNH AN