.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Myanmar không bị lãng quên

.

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1991 đã được trao cho bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo phe đối lập Myanmar - vào ngày 16-6 (giờ địa phương) tại thủ đô Oslo của Na Uy. Sau 21 năm kể từ ngày giải thưởng được công bố, bà Suu Kyi mới chạm tay vào tấm huy chương của Nobel trong niềm xúc động và phát biểu rằng, Myanmar không bị lãng quên.

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình tại Oslo.                                        Ảnh: AP
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình tại Oslo. Ảnh: AP

Phát biểu nhận giải Nobel của bà Suu Kyi tại Oslo trong chuyến công du châu Âu đầu tiên sau 24 năm tập trung vào chủ đề ý nghĩa của giải thưởng cao quý này và hòa bình đối với bà. “Trong những ngày bị giam lỏng, tôi nghĩ mình không còn tồn tại. Việc được trao giải Nobel Hòa bình khiến tôi như được sống lại, kéo tôi về với một cộng đồng lớn hơn. Quan trọng là giải thưởng đã thu hút sự chú ý của thế giới trong cuộc đấu tranh dân chủ và nhân quyền tại Myanmar. Chúng tôi đã không bị lãng quên”, bà Suu Kyi nói.

Theo chia sẻ của bà Suu Kyi, với giải Nobel Hòa bình, nữ nghị sĩ Myanmar sẽ có thêm động lực để tiếp tục cuộc đấu tranh với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bởi giải thưởng đã mở ra cánh cửa trong trái tim bà. 21 năm là chặng đường dài. Trong khoảng thời gian đó, bà Suu Kyi đã trải qua lắm thăng trầm, nhất là khi bị giam lỏng tại nhà, rồi được phóng thích vào cuối năm 2010 và tham gia tranh cử Quốc hội vào năm 2012...

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjorn Jagland mô tả bà Suu Kyi là “món quà quý giá với cộng đồng thế giới”. Bà Suu Kyi sinh ngày 19-6-1945, là con gái của Tướng Aung Sang - người đã đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của Myanmar và bị ám sát vào năm 1947. Bà Suu Kyi thụ hưởng nền giáo dục tại Anh. Trở về quê nhà Myanmar để hoạt động chính trị nhưng khi về nước thì bà bị quản thúc tại gia. Năm 1991, Ủy ban Nobel quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho bà Suu Kyi nhưng chính khách này không thể đến nhận do bị giam quản thúc tại gia ở Myanmar. Người chồng Michael Aris và 2 con trai của bà đã thay mặt nhận giải. Để trở lại châu Âu, bà phải mất 24 năm và để có mặt tại Oslo, bà phải mất 21 năm. Vì vậy, bà gọi đây là hành trình “khám phá và tái khám phá, nhìn thế giới bằng đôi mắt mới”.

Hãng AFP cho biết, bước sang tuổi 67, bà Suu Kyi trông mệt mỏi và kiệt sức trong chuyến đi dài ngày. Nhưng khát vọng về hòa bình đối với bà vẫn không hề tắt. Bà nói rằng, hòa bình có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn những yếu tố tiêu cực đe dọa hòa bình thế giới. Hòa bình không chỉ có nghĩa là kết thúc chiến tranh, mà còn phải kết thúc tất cả những yếu tố đe dọa đến hòa bình, như phân biệt đối xử, bất bình đẳng, đói nghèo.

Chuyến công du nước ngoài lần thứ hai (đến Thái Lan vào tháng 5 vừa qua và đến châu Âu vào những ngày tháng 6 này) của bà Suu Kyi đánh dấu sự nỗ lực rất lớn của Tổng thống Thein Sein. Chính quyết định cải cách từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái đã mang lại cho Myanmar sự hội nhập, đồng thời đưa bà Suu Kyi đến với thế giới bên ngoài.

Nhiều người so sánh Suu Kyi với cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Còn bà nói rằng những năm bị quản thúc tại gia đã làm thay đổi chính mình. Thay đổi đó chính là sự xuất hiện của bà tại Oslo, là chiếc ghế nghị sĩ tại Quốc hội Myanmar và là những chặng đường tiếp theo - chặng đường gắn liền với tiến trình cải cách dân chủ ở Myanmar, dẫu đó sẽ là chặng đường khó khăn, lâu dài.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.